Hình ảnh sông Lợi Nông được khắc trên Chương Đỉnh
Sách "Khâm Định Đại Nam hội điển sự lệ", khi nói đến phương pháp trị thủy vua Minh Mạng đã ra chỉ dụ rằng: “... các con sông và tất cả các ngòi lạch cống nước, phần nhiều nhân dân trồng hoa màu (hai bên) lấp dần, sông cái chảy không thông, dòng nước chảy tùy tiện (...). Nay thiết tha hiển dụ tất cả các bề tôi trong ngoài rằng, nếu có phương pháp trị thủy như thế nào, có thể cho dòng nước thuận dòng, đề phòng bền vững mãi mãi”. Qua đó chúng ta thấy rằng, vua Minh Mạng cũng như các vị vua nhà Nguyễn rất quan tâm đến việc phát triển thủy nông và nhận thức rõ tầm quan trọng của các sông ngòi đối với việc phát triển kinh tế, xã hội...
Ngày nay, trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều con sông, kênh rạch được đào dưới triều Nguyễn và những dòng sông này vẫn phát huy vai trò tích cực trong đời sống xã hội như: sông Lợi Nông, sông Như Ý, sông Phổ Lợi, Hộ Thành Hà… Trong đó, sông Lợi Nông được đào khá sớm, có chiều dài khoảng 20 km, là một chi lưu của sông Hương, bắt nguồn từ khu vực cồn Dã Viên rẽ vào cầu Ga Huế, đi qua khu vực phía nam thành phố Huế, qua các phường, xã của Hương Thủy, sau đó đổ vào đầm Hà Trung. Đây cũng là một con sông được đào khơi thông dòng chảy vào năm Gia Long thứ 13 (1814) với mục đích “dẫn thủy nhập điền”, cũng như thoát nước úng vào mùa mưa, ngăn thủy triều nước mặn xâm hại, lúc đầu có tên là sông An Cựu.
Tương truyền, khi khai thông dòng chảy ở thượng nguồn sông An Cựu, nhằm vào nơi ở của con giao long nên mỗi lúc trời nắng nóng thường hay vẫy vùng làm nước sông đục. Chính vì vậy, dân gian có câu: “Núi Ngự Bình trước tròn sau méo/ Sông An Cựu nắng đục mưa trong”. Đến năm Minh Mạng thứ 2 (1821), nhà vua cho đổi tên thành sông Lợi Nông, với ý nghĩa là mang lại lợi ích cho nhà nông và cho dựng bia đá “Lợi Nông hà” đặt ở phía đầu nguồn và phía hạ lưu cửa sông để ghi nhớ. Còn dân gian, vẫn thường gọi với một số tên gọi khác, như An Cựu, Phủ Cam hay Thanh Thủy, Đại Giang… tương ứng với từng địa danh chảy qua của con sông. Năm Minh Mạng thứ 16 (1835) khi đúc Cửu Đỉnh, nhà vua cho khắc hình sông Lợi Nông vào Chương đỉnh được đặt trong Hoàng Thành.
Đến Bảo tàng Lịch sử tỉnh, chúng ta còn thấy lưu giữ tấm bia đá, cao 70cm, rộng 50cm, dày 13cm, lòng bia rộng 32cm có khắc ba chữ “Lợi Nông hà” tức là sông Lợi Nông. Nguyên trước đây, tấm bia này được khắc và dựng bên bờ đầu nguồn sông Lợi Nông. Vị trí dựng bia đá là nơi điểm đầu nguồn, từ sông Hương (đoạn cồn Dã Viên) rẽ vào gần khu vực bến Trường Đạn (nay là cầu Ga Huế), gần đây để chống sạt lở ở hai bên bờ sông khu vực cầu Ga Huế, khi nạo vét người ta phát hiện nhiều loại đạn có kích cỡ khác nhau của súng thần công. Có thể trước đây vị trí bến sông này là nơi thuyền ra vào tập kết các loại súng đạn.
Cách địa điểm dựng bia “Lợi Nông hà” vài trăm mét có cầu Nam Giao, có Bến Ngự, nơi thuyền rồng cập bến dừng chân để nhà vua lên tế Đàn Nam Giao. Dọc hai bên bờ sông Lợi Nông còn có nhiều dinh cơ, phủ đệ, đền đài… càng điểm tô cho dòng sông Lợi Nông thêm tráng lệ và thơ mộng. Ở dưới hạ lưu trước đây có xây hành cung Thần Phù, dành cho vua dừng chân nghỉ ngơi trong những lúc xuôi về sông Lợi Nông để thưởng ngoạn hay săn bắn.
Bia “Lợi Nông hà” là một cổ vật quý. Thông qua tấm bia đá này, chúng ta hiểu hơn về lịch sử hình thành, quá trình tồn tại, cũng như tên gọi của dòng sông, đồng thời bia còn là minh chứng thể hiện chính sách khuyến nông, coi trọng phát triển nông nghiệp của nhà Nguyễn. Trong những chính sách đó vấn đề trị thủy đóng vai trò quan trọng, suy cho cùng đó cũng là kế sách tích cực đem lại lợi ích lâu dài cho bá tánh muôn dân.
Bài, ảnh: NGỌC KIÊM