Ông Ku Xếp (bên phải)

1 - Sinh ra và lớn lên ở làng Pe Đụt, một làng lớn ở phía Bắc thung lũng A Lưới, ông Ku Xếp, còn gọi là Tâng Coal Chước, từ nhỏ đã được sống trong môi trường văn hóa Pa Cô đậm nét. Với ông, đó như là mạch sống, triết lý sống. Ở cái tuổi 74, Ku Xếp có thời gian để hiểu, để truyền bá giá trị văn hóa đó.

Khi còn trẻ, ông đã đi qua nhiều ngọn núi, nhiều con suối, gặp nhiều người. Những đổi thay của cuộc sống đồng bào in dấu trong tâm trí ông, bởi lẽ, ông từng là cán bộ hoạt động cách mạng, cán bộ y tế của làng, của xã kể từ năm 1959. Ông hiểu được những gì mất, những gì còn, những gì cần bảo tồn của sinh hoạt văn hóa đồng bào mình. "Ngày xưa, còn trẻ, mình đã được nghe, được hát, được múa những bài bản như cha như ông, như bà như mẹ mình. Thế mà nay thì khó lắm, hiếm lắm. Vì thế, mình muốn góp sức vào việc bảo tồn những bài ca, điệu múa đó". Nỗi lòng đó đã thúc đẩy Ku Xếp bỏ thời gian đi tìm hiểu, ghi chép lại rồi cùng trao đổi, hát múa cùng những người am hiểu để thuần thục, để nhớ các bài bản. Sau đó, ông và những người bà con của làng Pe Đụt lại tổ chức truyền dạy cho những người trẻ. Nhiều năm rồi, công việc của ông cứ thế: tìm hiểu và dạy lại.

Ông cứ miệt mài với công việc. Nhiều khi chỉ có 1 - 2 người, ông cũng dạy. Ông cho rằng, một người biết, một người nhớ là còn một sợi dây để níu kéo, để còn cơ hội bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của cộng đồng mình. Chị Kan Hay ở cùng làng Pe Đụt, là một trong những người từng được Ku Xếp dạy múa, dạy hát. Chị trở thành học trò của ông từ khi chưa lấy chồng, đến bây giờ con chị đã học trung học phổ thông. "Đồng bào mình có nhiều bài ca, nhiều điệu múa truyền thống lắm. Mình muốn học hỏi để tiếp tục duy trì và bảo tồn những bài ca, điệu múa đó. May mắn có bác Ku Xếp. Nhờ bác, làng ngày càng có nhiều người biết hát múa các bài bản người xưa để lại", chị tâm sự.

Sau nhiều năm miệt mài, hầu hết những bài bản dân ca, dân vũ truyền thống của đồng bào Pa Cô đã được Ku Xếp sưu tầm, hát múa thuần thục. Điệu hát Xiêng trữ tình. Điệu hát Ba-bói đầy chất triết lý cuộc sống. Điệu múa Cha-chấp uyển chuyển của các lễ hội. Điệu múa Pư-chiêng-coon linh thiêng dành cho thần Mặt trời... Từng điệu hát, điệu múa được ông lĩnh hội rồi phát huy bằng cách truyền dạy lại cho người trẻ thật sự là một giá trị đầy tính chất bảo tồn rất to lớn. Qua đó, người làng Pe Đụt không chỉ bảo tồn cho chính mình mà còn cho cả cộng đồng Pa Cô ở huyện A Lưới. Làng Pe Đụt có đội văn nghệ quần chúng khá nổi tiếng. Nhiều làng, xã ở huyện miền núi A Lưới xem Pe Đụt là hình mẫu để học tập.

Bà Lê Thị Thêm, Trưởng phòng VHTT huyện A Lưới, chia sẻ: "Bảo tồn dân ca, dân nhạc, dân vũ đang là nhiệm vụ được đẩy mạnh của ngành văn hóa huyện A Lưới. Chúng tôi may mắn là ở các làng còn có những người già am hiểu sâu sắc văn hóa, am hiểu các bài hát, điệu múa của đồng bào. Xã Hồng Kim là một trong số những xã được xem làm khá tốt nhiệm vụ này, mà trong đó, những người già đi đầu của nhiệm vụ có ông Ku Xếp ở làng Pe Đụt".

2 - Công việc của ông Ku Xếp cũng đã hơn 30 năm rồi. Cảm nhận văn hóa đồng bào mình qua lời ca tiếng hát, điệu múa và truyền cảm nhận đó bằng việc làm cụ thể, hơn ai hết, Ku Xếp thấy được giá trị của những gì mình góp phần gìn giữ. Ông chia sẻ: "Các bài hát, các điệu múa có nội dung diễn đạt khác nhau mà nghe qua, nhìn qua là mọi người có thể hiểu được phần nào bản sắc văn hóa Pa Cô. Bài hát vui thì có điệu múa nhộn nhịp. Bài hát buồn thì có điệu múa chậm rãi. Bài hát dành cho thần linh thì có điệu múa đầy sự tôn vinh...".

May mắn cho Ku Xếp chính là sự cộng tác đắc lực của những người già trong làng Pe Đụt, trong xã Hồng Kim và nhiều làng Pa Cô khác ở A Lưới. Hiểu được việc làm của Ku Xếp, họ đã cùng ông hát, múa để ôn lại những gì mình còn biết, còn nhớ. Nhờ đó, Ku Xếp hiểu đầy đủ hơn bài hát, điệu múa mình muốn tìm hiểu và những người cộng tác với ông cũng nhớ lại đầy đủ hơn bài hát, điệu múa mà mình biết. Dần dà, họ cũng trở thành những người hăng hái trong việc bảo tồn, phát huy dân ca, dân nhạc, dân vũ của đồng bào mình. Ông Vưh K'raay, người cùng làng Pe Đụt, cho biết: “Mọi người đã biết việc bảo tồn những bài hát, điệu múa là gìn giữ văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào nên ai cũng vui vẻ mà cố gắng. Ông Ku Xếp nói và làm, chúng tôi nghe và làm. Chúng tôi cùng nhau làm để lớp trẻ nhớ những gì người đi trước truyền lại."      

Không chỉ người lớn tuổi, lớp trẻ cũng đồng cảm, hồ hởi hưởng ứng. Những buổi tập luyện hát múa có Ku Xếp hay không cũng vậy, họ luyện tập chăm chỉ lắm. Sự miệt mài của họ là sự đền đáp xứng đáng lòng mong mỏi của Ku Xếp với văn hóa truyền thống mà dân ca, dân nhạc, dân vũ là một trong số đó.

Bài ảnh: ĐÌNH ĐÍNH