Thuận An là địa bàn có thế mạnh để phát triển du lịch biển nhưng để phát triển ngành công nghiệp không khói này vẫn chưa được đầu tư thỏa đáng. Con đường chính từ trung tâm thành phố Huế về biển Thuận An chừng hơn 12km vẫn chưa được mở rộng, đang còn nhỏ hẹp, có đoạn chưa bằng phẳng, lồi lõm, trong khi mật đô đi lại trên tuyến đường này quá đông làm cản trở giao thông, dễ gây tai nạn khiến tâm lý người dân cũng như du khách hơi e ngại.

 

Các chòi để phục vụ ăn uống, nghỉ ngơi sát ngay bên bãi biển

Ông Hoàng Trọng Minh, Giám đốc Công ty may ở tỉnh Hà Nam, là người Huế đi làm ăn xa, dù bận nhiều công việc kinh doanh, song hè nào ông cũng dành thời gian hơn một tuần cùng gia đình về Huế thắp hương ông bà tổ tiên, kết hợp đi du lịch tắm biển. Ông nói rằng: “Về Huế lúc nào tôi cũng đi biển Thuận An vì gần thành phố, đi xe máy cho thoải mái hơn. Nhưng mấy năm nay, cũng ngại đi Thuận An vì lượng xe cộ đi lại quá đông, đường thì hẹp dễ xảy ra tai nạn. Chúng tôi chuyển sang đi biển Lăng Cô hoặc Cảnh Dương”. Một số người Huế thì cho hay: “Thật là thuận lợi khi biển gần thành phố, cứ chiều rảnh mấy cặp gia đình rủ nhau đi xe máy về Thuận An tắm biển, song ớn nhất là đoạn đường lên, xe cộ chạy nhiều, nhất là mấy cậu thanh niên sau khi nhậu ngà ngà chạy xe bạt mạn”.

Việc đầu tư cho các dịch vụ ăn uống, tắm biển Thuận An vẫn còn là điều đáng bàn. Dọc bãi biển, mọc lên san sát những hàng ăn uống, nhưng việc đầu tư quán xá ở đây khá tạm bợ, giá cả không đồng đều, thống nhất, nơi đắt nơi rẻ làm phát sinh tâm lý bất an của du khách khi ăn uống ở đây. Một số chủ quán khai thác tối đa không gian kinh doanh của mình, đã bố trí các chòi để phục vụ ăn uống, nghỉ ngơi sát ngay bên bãi biển vừa làm mất đi diện tích bãi tắm, ảnh hưởng đến tầm nhìn cảnh quan, đồng thời tạo ra hình ảnh trông rất nhếch nhác. Các dịch vụ phục vụ tắm biển cũng chẳng có gì ngoài vài ba chiếc phao, áo quần tắm,... Người tắm cũng chẳng thoải mái khi đội quân bán hàng rong thường xuyên bủa vây mời mọc.

Trò chuyện với chúng tôi, nhiều du khách cho biết, bao nhiêu năm quay trở lại biển Thuận An chẳng thấy có điều gì thay đổi, vẫn hàng quán kiểu ấy, cung cách phục vụ kiểu ấy, dịch vụ chẳng có gì... thì làm sao thu hút được nhiều khách du lịch, nhất là khách du lịch có tiền.

Hiện nay, Thuận An có nhiều resort, khách sạn mọc lên để phục vụ du khách gần xa. Huyện Phú Vang hàng năm cũng tích cực tổ chức chương trình “Thuận An biển gọi” nhằm quảng bá, thu hút du khách. Tuy nhiên, du lịch biển không chỉ tập trung đầu tư vào khách sạn, resort,... mà còn phải đầu tư vào các loại hình giải trí, các dịch vụ tắm biển. Du khách đến biển không chỉ vùi đầu trong các resort cao cấp, khách sạn hạng sao... mà được tắm biển trên một bãi biển có nhiều dịch vụ hấp dẫn, mang tính chuyên nghiệp cao; tham gia vào một vài loại hình thể thao biển hấp dẫn như đi thuyền buồm, mô tô trượt nước, ca nô kéo phao, ca nô kéo phao chuối; ca nô kéo dù để đưa du khách hướng tầm nhìn xa hơn trên bầu không trung, lơ lững giữa mênh mông của trời và biển... là cần thiết vô cùng. Điều này, Thuận An chưa đáp ứng được. Thiết nghĩ, đã đến lúc du lịch biển Thuận An cần được đầu tư mang tính chuyên nghiệp hơn để thu hút ngày càng nhiều du khách đến đây tắm biển, vui chơi và nghỉ dưỡng.

Gia Hân