Đô thị hóa ở Ấn Độ. Ảnh: Shutterstock
Ông Abhas Jha, Quản lý về Phát triển đô thị và Rủi ro thiên tai khu vực Đông Á-Thái Bình Dương của WB nói rằng: “Việc cung cấp cơ sở hạ tầng, công ăn việc làm và dịch vụ ở các thành phố trên khắp khu vực không được thực hiện với tốc độ nhanh như phát triển đô thị, dẫn đến gia tăng bất bình đẳng, có thể cản trở tăng trưởng kinh tế và dẫn tới sự chia rẽ xã hội”.
Báo cáo “Mở rộng cơ hội cho người nghèo đô thị” cho hay, Đông Á và Thái Bình Dương là khu vực đô thị hóa nhanh nhất thế giới. Đến năm 2018, một nửa dân số của khu vực, tương đương với hơn 1,2 tỷ người sẽ sống ở các khu vực thành thị”. Qua đó, báo cáo nhận định, thường khó để các thành phố theo kịp nhu cầu ngày càng tăng của công dân; trong khi thiếu quy hoạch và đầu tư vào cơ sở hạ tầng, nhà ở và giao thông dẫn đến sự bất bình đẳng ngày càng mở rộng đối với cư dân đô thị.
Theo ông Jha, mặc dù có sự tăng trưởng kinh tế đặc biệt, cũng như việc tăng thu nhập và giảm đáng kể nghèo đói, bất bình đẳng về thu nhập vẫn mở rộng trong khu vực, nhất là ở các nền kinh tế như Trung Quốc và Việt Nam.
Nếu những thách thức này không được giải quyết, nó sẽ gây áp lực cho tăng trưởng, ổn định và sự gắn kết xã hội trong tương lai của khu vực. Báo cáo khuyến khích các Chính phủ có cách tiếp cận đa chiều để lập kế hoạch, kết hợp các khía cạnh nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và giảm nghèo.
LÊ THẢO (Lược dịch từ Bangkok Post)