Âu thuyền Phú Hải không đảm bảo an toàn cho tàu thuyền neo đậu
Lo sợ mắc cạn
Ông Ngô Đức Toan ở xã Phú Thuận (Phú Vang) vẫn chưa hết lo âu khi tàu của ông vào âu thuyền Phú Hải neo đậu tránh trú bão số 10 vừa qua đã bị mắc cạn, phải nhờ các tàu bạn đến hỗ trợ, ứng cứu; vậy nhưng, khi vào được âu thuyền thì không thể chọn được vị trí neo đậu an toàn. Khi bão đi qua, trong khi nhiều tàu may mắn “thoát hiểm”, ra khơi đánh bắt thì tàu của ông còn bị mắc cạn 2 ngày tại luồng lạch ra vào âu thuyền Phú Hải. Ông phải nhờ đến sự hỗ trợ của tàu kéo mới đưa được tàu ra biển, chi phí tiền thuê hơn 30 triệu đồng.
Cùng thời điểm, chiếc tàu đóng theo Nghị định 67 của ông Phan Văn Chinh ở thị trấn Thuận An cũng bị mắc cạn 2 ngày tại âu thuyền Phú Hải, không thể vươn khơi. Ông Chinh nuối tiếc: “Sau bão thường đánh bắt hải sản hiệu quả, nhưng tàu lại bị mắc cạn đến mấy ngày. Không chỉ tốn tiền thuê tàu cẩu mà còn thiệt hại do tàu nằm bờ”.
Không riêng ông Toan, ông Chinh, trước và sau cơn bão số 10 có hàng chục chiếc tàu bị mắc cạn tại luồng lạch ra vào âu thuyền Phú Hải. Nhiều tàu phải mất nhiều ngày mới đưa được ra biển an toàn.
Một số vị trí trong âu thuyền Phú Hải cần nạo vét để tàu thuyền ra vào an toàn
Cách đây hai năm, tại thị trấn Thuận An đã xảy ra vụ chìm tàu thương tâm; tàu cá mang số hiệu TTH-26669 của ông Nguyễn Văn Hiền bị mắc cạn ngay tại luồng ra vào, bị sóng đánh chìm, bốn bạn thuyền thiệt mạng.
Mấy năm gần đây, trên địa bàn cũng đã xảy ra nhiều vụ tai nạn tàu thuyền khi ra vào cửa biển, âu thuyền neo đậu thiếu an toàn. Cuối năm 2015, đầu năm 2016 xảy ra liên tiếp ba vụ tàu mắc cạn (tàu của ông Dương Văn Thụ và Trần Văn Sơn ở thị trấn Thuận An) và tàu ông Huỳnh Văn Lân ở xã Phú Hải (Phú Vang), bị sóng đánh chìm. May mắn không thiệt hại về người, nhưng mỗi tàu bị hư hỏng, chi phí sửa chữa trên 100 triệu đồng.
Trên địa bàn tỉnh có 4 âu thuyền, trong đó có 1 âu thuyền phục vụ quốc phòng tại thị trấn Thuận An; còn lại 3 âu thuyền phục vụ neo đậu cho tàu thuyền ngư dân với năng lực hiện tại khoảng 250 tàu công suất lớn, mới đáp ứng khoảng 70% nhu cầu. |
Âu thuyền Phú Hải được xây dựng, đưa vào sử dụng từ năm 2012. Qua các mùa bão, lũ, một số hạng mục tại âu thuyền xuống cấp, hư hỏng, luồng lạch bị bồi lắng chưa được khắc phục triệt để. Các phao báo hiệu bị trôi, hư hỏng nên nhiều tàu đi lại không đúng luồng lạch, gặp nguy hiểm. Theo thiết kế, quy mô, công suất neo đậu của âu thuyền Phú Hải đến 530 phương tiện nhưng do luồng lạch bị cạn, một số hạng mục xuống cấp nên thực tế chỉ đáp ứng khoảng 120 tàu có công suất trên 90CV.
Trong khi âu thuyền Phú Hải chưa đáp ứng nhu cầu neo đậu thì âu thuyền Phú Thuận quy mô nhỏ chỉ vài chục chiếc cũng bị xuống cấp, hư hỏng nặng khiến chính quyền địa phương và các chủ tàu rất lo lắng. Ông Nguyễn Quang Dân, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Thuận cho biết, âu thuyền Phú Thuận được xây dựng cách đây hơn 10 năm, chủ yếu phục vụ việc neo đậu trong điều kiện thời tiết bình thường. Trường hợp bão lớn thì âu thuyền này không thể đáp ứng việc trú tránh an toàn cho tàu thuyền.
Đến nay toàn tỉnh có 380 tàu đánh bắt xa bờ có công suất lớn nhưng việc tìm vị trí tránh trú mỗi khi có bão xảy ra rất khó khăn; nên thường tập trung về âu thuyền Phú Hải. Trong cơn bão số 10 vừa qua, các chủ tàu tranh nhau neo đậu, gây mất trật tự. Các tàu vào sau không chọn được vị trí phù hợp, phải neo đậu rất tạm bợ, mất an toàn.
Chờ đợi Cảng cá Thuận An hoàn thành
Ông Nguyễn Văn Bình, Chủ tịch UBND xã Phú Hải chia sẻ, các khu neo đậu tàu thuyền còn nhiều hạn chế nên vào mùa bão lũ, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng rất lo lắng, vất vả trong việc tuyên truyền, vận động, hướng dẫn ngư dân neo đậu an toàn. Trong khi, khu vực âu neo đậu có một số vị trí bị bồi lắng; các biển báo hiệu luồng lạch, ụ neo, dây neo... thì xuống cấp, hư hỏng.
Thực tế, khi có bão xảy ra, các tàu ở Thuận An, Phú Thuận lẽ ra được trở về bến cảng Thuận An neo đậu rất thuận tiện, thì nay phải di chuyển đến âu thuyền Phú Hải trú tránh gây bất lợi đối ngư dân và mất an toàn. Hao tốn chi phí nhiên liệu đã đành, mấy năm qua đã có một số vụ tai nạn xảy ra khi ngư dân đưa tàu từ địa phương đến âu thuyền Phú Hải để tránh bão.
Đầu năm 2016, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã có báo cáo, tham mưu tỉnh kiến nghị Trung ương, từ năm 2020, định hướng đến năm 2030 sẽ đầu tư điều chỉnh khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão kết hợp mở rộng CCTA từ loại 2 lên loại 1 với tổng kinh phí đầu tư trên 642 tỷ đồng. Theo đó, CCTA loại 1 đáp ứng nhu cầu neo đậu cho 120 lượt tàu (công suất 700 CV trở lên)/ngày với sản lượng 20 ngàn tấn hải sản/năm, kết hợp khu neo đậu tránh trú bão cho 1.000 chiếc tàu có công suất 300 CV trở lên. |
Năm 2014, UBND tỉnh có quyết định phê duyệt dự án mở rộng Cảng cá Thuận An (CCTA), kết hợp xây dựng khu neo đậu có quy mô 500 tàu công suất lớn với tổng kinh phí trên 200 tỷ đồng. Riêng bến cảng được mở rộng, nâng cấp gấp 5 lần so với cảng cũ với diện tích 24 ha. Trung ương đã cấp kinh phí hơn 30/40 tỷ đồng để thi công cảng giai đoạn 1. Các đơn vị nhà thầu đang thi công các hạng mục đê, kè chắn sóng phía đông của công trình; nạo hút phần vũng neo đậu, xây dựng đê chắn sóng dài 352m, hệ thống trụ neo, kè bờ trái, nạo vét luồng lạch.... Đến nay tiến độ thi công toàn hạng mục này đạt trên 90%. Ông Trương Văn Giang, Trưởng phòng Quản lý-Xây dựng công trình thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông tin, quá trình thi công CCTA mới nảy sinh một số vấn đề liên quan đến quy mô, công suất cảng. So với nhu cầu neo đậu, tránh trú bão trước mắt và lâu dài thì cả CCTA cũ và dự án CCTA mới đang xây dựng đều chưa đáp ứng.
Ông Nguyễn Đình Đức, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiến nghị, để đáp ứng nhu cầu neo đậu tàu thuyền trong mùa mưa bão hằng năm, trước mắt Trung ương cần sớm bố trí nguồn kinh phí còn lại khoảng 150 tỷ đồng để triển khai xây dựng hoàn thành CCTA mới giai đoạn 2 vào cuối năm 2020.
Trong lúc dự án mở rộng kết hợp khu neo đậu CCTA chưa hoàn thành thì việc nạo vét luồng lạch, khắc phục một số hạng mục ở âu thuyền Phú Hải nói riêng và các âu thuyền khác nói chung, nhằm đảm bảo cho tàu thuyền neo đậu tránh trú là hết sức cần thiết, để hạn chế thiệt hại khi bão xảy ra. Sắp đến, tỉnh sẽ đầu tư nâng cấp các ụ neo, dây neo, phao báo hiệu luồng lạch, nạo vét luồng lạch tại âu thuyền Phú Hải nhằm đáp ứng nhu cầu neo đậu trước mắt.
Bài, ảnh: HOÀNG TRIỀU