Đài quan sát phòng chống cháy rừng tại rừng phòng hộ Phong Điền
Rừng đầu nguồn sông Bồ là “lá phổi xanh” điều hòa khí hậu, bảo vệ môi trường sinh thái cho thị xã Hương Trà và huyện Phong Điền. Xác định vai trò và tầm quan trọng, đơn vị quản lý cùng với chính quyền địa phương đã bảo vệ an toàn, không để xảy ra các vụ phá rừng nghiêm trọng.
Dọc theo đầu nguồn sông Bồ là những cánh rừng nguyên sinh xanh tốt, được canh giữ cẩn mật, lực lượng kiểm lâm luôn ứng trực, sẵn sàng xử lý khi có dấu hiệu bất thường.
Giám đốc BQLRPHSB, ông Trần Đại Phương chia sẻ, trước hết phải kể đến hiệu quả công tác phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR). BQLRPHSB phối hợp với kiểm lâm địa bàn và chính quyền địa phương đã tổ chức hàng chục đợt tuyên truyền, ký cam kết với 198 lượt người dân trên địa bàn về các biện pháp bảo vệ, PCCCR. Các lực lượng đã ra quân đóng 250 biển báo bảo vệ ở các tuyến đường vào rừng và khu vực xung yếu; tu sửa 68,264 km đường ranh cản lửa, sửa chữa 2 chòi canh lửa, tổ chức trực 24/24 giờ trong mùa nắng nóng. Từ ngân sách Nhà nước, BQLRPHSB đầu tư mua sắm mới 10 máy bộ đàm, 2 máy bơm nước bằng khí nén, 1 chiếc thuyền máy cole… Ba năm gần đây, rừng phòng hộ sông Bồ không xảy ra cháy gây hậu quả lớn.
Tuần tra bảo vệ rừng
Việc tuần tra, phòng chống chặt phá rừng được các lực lượng tích cực triển khai một cách nghiêm túc. BQLRPHSB đã tổ chức bố trí chốt chặn 24/24 giờ tại các điểm xung yếu để QLBVR và đất rừng. Từ năm 2015 đến 2017, đơn vị đã tổ chức 114 đợt truy quét tại rừng với 986 lượt người dân tham gia, phát hiện bắt giữ 10 vụ khai thác, vận chuyển với gần 23m3 và chuyển cơ quan chức năng xử lý. Ba năm qua, các lực lượng phát hiện và xử lý 14 vụ lấn chiếm đất rừng, thu hồi 30,81ha.
Ông Trần Đại Phương đánh giá, những kết quả đạt được trong thời gian qua là nhờ thực hiện tốt phương án QLBVR đã đề ra, sự vào cuộc tích cực của tập thể lãnh đạo, cán bộ công nhân viên toàn đơn vị. Ngoài ra phải kể đến sự phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ của chính quyền địa phương, các hạt kiểm lâm của thị xã Hương Trà, huyện Phong Điền.
BQLRP đầu nguồn sông Bồ được thành lập vào năm 1991, theo Quyết định số 262/QĐ-UB ngày 15/3/1991 của UBND tỉnh, nay được đổi tên thành BQLRPHSB theo Quyết định số 1960/QĐ-UBND ngày 30/8/2008 của UBND tỉnh. Đơn vị được giao quản lý với diện tích trên là 12.265 ha, chia thành 23 tiểu khu. Rừng và đất rừng tập trung chủ yếu đầu nguồn sông Bồ, thuộc địa bàn 5 xã/phường thuộc thị xã Hương Trà và 2 xã thuộc huyện Phong Điền. |
Ông Phương cũng nêu rõ những khó khăn, tồn tại trong công tác QLBVR, đó là, diện tích rừng và đất rừng đơn vị quản lý rộng, phân tán, địa hình chia cắt, giao thông đi lại khó khăn cách trở. Đời sống kinh tế dân cư sống ven rừng còn nhiều khó khăn, lao động nông nhàn còn nhiều, chủ yếu dựa vào rừng, như khai thác gỗ, săn bắt thú rừng, rà tìm phế liệu chiến tranh, lấn chiếm đất rừng... Quy định bộ máy hoạt động của BQLRPHSB chưa đáp ứng với việc thực hiện nhiệm vụ đặt ra, chỉ có ban giám đốc, 3 phòng chức năng, chưa có các trạm, tổ bảo vệ rừng trực thuộc đơn vị. Quyền hạn và chức năng của lực lượng QLBVR còn hạn chế, các chính sách hỗ trợ chưa có, ảnh hưởng đến công tác đấu tranh bảo vệ tài nguyên rừng. Lực lượng bảo vệ rừng chưa được trang bị đồng phục và một số công cụ hỗ trợ để thực thi nhiệm vụ chính là rào cản trong công tác xử lý vi phạm, nhất là các khu vực rừng sâu.
Tình trạng khai thác lâm sản trái phép vẫn diễn ra ngày càng tinh vi tại một số địa điểm, tiểu khu vùng sâu. Một số bộ phận người dân lén lút đưa công cụ, dụng cụ vào rừng để khai thác lâm sản, săn bắt động vật trái phép, đốt ong lấy mật, rà tìm phế liệu chiến tranh. Tại các khu rừng có nhiều “cửa” ra vào, trong khi lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách mỏng nên khó khống chế người dân vào rừng.
Để công tác QLBVR ngày càng chặt chẽ và hiệu quả, các đơn vị chủ rừng cần có một lực lượng BVR chuyên trách có phẩm chất đạo đức tốt, đủ sức khỏe và vững vàng về chuyên môn nghiệp vụ, đủ số lượng và chất lượng, các trang thiết bị nhằm đáp ứng nhiệm vụ trước yêu cầu mới. Từ đó, BQLRPHSB đã thành lập tổ bảo vệ rừng chuyên trách (BVRCT) được đầu tư các trang thiết bị, dụng cụ cần thiết, gồm 5 tổ bảo vệ rừng đóng tại các vùng xung yếu...
Bài, ảnh: Hoàng THẾ