Họa sĩ Lê Minh Trường bên một tác phẩm của mình. Ảnh: Gia đình cung cấp
Dấn thân cùng ngòi bút
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Huế là nơi đã nổ ra phong trào tranh đấu của thanh niên, sinh viên đô thị dưới sự lãnh đạo của Thành ủy Huế. Phong trào thu hút được nhiều thanh niên, sinh viên Huế tham gia tranh đấu, hoạt động cách mạng và có những người đã hy sinh trong cuộc chiến, trong đó có Lê Minh Trường mà mỗi lần nhắc đến, bao thế hệ thầy trò Trường đại học Nghệ thuật Huế (tiền thân là Trường cao đẳng Mỹ thuật Huế) đều không khỏi cảm phục, tiếc thương và tự hào.
Liệt sĩ - họa sĩ Lê Minh Trường sinh năm 1940, quê xã Phong Thu (Phong Điền). Cha của anh là một người công khai giúp đỡ cách mạng, che giấu cán bộ rồi lên chiến khu. Năm 1947, bọn Pháp càn quét vào làng, xả súng giết chết 14 người thân và bà con của anh, trong đó có cả mẹ anh. Đó là những năm tháng đau thương và đầy căm hận ở cậu bé Lê Minh Trường. Năm 1960, Lê Minh Trường vào học ở Trường cao đẳng Mỹ thuật Huế khóa 4 chuyên ngành Hội họa và tốt nghiệp năm 1964. Khóa học chỉ có 8 sinh viên, trong đó có họa sĩ danh tiếng Nguyễn Tuấn Khanh (nghệ danh là Rừng).
Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân, khi còn hoạt động trong phong trào sinh viên đô thị, ông đã biết đến họa sĩ Lê Minh Trường và sau này gặp lại khi cùng nhau làm báo Giải Phóng ở chiến khu. Ông bộc bạch, vào năm 1964, cuộc đấu tranh của sinh viên - học sinh và đồng bào Phật tử Huế nổ ra mạnh mẽ với sự tham gia đông đảo của sinh viên ở Huế. Thời kỳ này, nhiều sinh viên của Đại học Huế và Trường cao đẳng Mỹ thuật Huế cũng tham gia tranh đấu và Lê Minh Trường - sinh viên khóa 4 của Trường CĐ Mỹ thuật Huế có cách thức đấu tranh riêng của mình. Lê Minh Trường đã đem nghệ thuật vào cuộc tranh đấu và trở thành người họa sĩ không chỉ dùng ngòi bút tranh đấu mà còn trực tiếp dấn thân. Người em trai của Lê Minh Trường là ông Lê Minh Sanh (sinh năm 1942), hiện trú tại 1/2/75 Yết Kiêu, phường Thuận Hòa (Huế) cho biết: “Anh Trường rất hăng hái tham gia tranh đấu, anh có mặt trong vụ đốt phá Nhà Thông tin Mỹ ở Huế, anh cùng mấy anh làm báo Vì Dân và vẽ minh họa, in, phát hành ngay tại Huế”.
Vào đầu năm 1965, họa sĩ Lê Minh Trường tổ chức cuộc triển lãm ở phòng tranh "Quê nghèo" tại Nhà giảng của chùa Từ Đàm (Huế) vào một buổi chiều mưa phùn lạnh lẽo cuối năm Giáp Thìn. Ông Nguyễn Đắc Xuân cho biết, trong triển lãm này, tập thơ của nhà sư Thích Nhất Hạnh với tên gọi: "Chắp tay nguyện cầu cho bồ câu trắng hiện" cũng đã được giới thiệu. Tại phòng tranh với hơn 25 tác phẩm được vẽ bằng nhiều chất liệu như phấn màu, màu nước, nhưng nhiều nhất là sơn dầu vẽ trên vải bố từ các bao gạo. Vẽ trên bố đòi hỏi kỹ thuật phải rất nhuần nhuyễn và tay nghề vững chắc, ngoài ra anh còn vẽ trên các mảnh giẻ, một số tấm vải tận dụng từ áo quần rằn ri của lính biệt kích, lính dù... Những bức tranh của họa sĩ Lê Minh Trường tả cảnh nông thôn quê bị chiến tranh tàn phá, xác xơ cây cỏ, làng mạc hoang tàn. Họa sĩ Lê Minh Trường đã để lại những dấu ấn với bao điều lay động cho người xem. Cuộc triển lãm diễn ra như một lời cảnh tỉnh và kêu gọi người dân hãy đứng lên bảo vệ hòa bình, chống lại chiến tranh tàn bạo mà kẻ thù gây ra. Triển lãm kéo dài và thu hút rất đông người xem.
"Chí trai đừng luyến một duyên tơ..."
Phòng tranh "Quê nghèo" của họa sĩ Lê Minh Trường mở cửa một thời gian ngắn sau đó thì đóng cửa. Những bức tranh của anh được gửi rải rác đến nhà của những người bạn thân phòng khi bị tịch thu. Tháng 6/1965, trong khi đang hoạt động cách mạng và làm nghệ thuật với một tinh thần sôi sục thì anh bị bắt cùng lúc với những người khác như chị Lê Thị Mai Anh - chị của Lê Quang Vịnh, bác sĩ Nguyễn Duy Đàm... và bị đày giam ở Ba Lòng (Quảng Trị).
Lê Minh Trường vượt ngục và trốn về Huế, rồi quay lại chiến khu. Trong thời gian Lê Minh Trường bị bắt, tranh và một số tài liệu liên quan của anh cũng bị tiêu hủy gần hết, chỉ còn lại một vài tấm; trong đó, có một người bạn của anh là Hoàng Văn Giàu (lúc bấy giờ là cựu Đoàn trưởng sáng lập Đoàn sinh viên Phật tử Huế) vẫn còn giữ một tác phẩm của họa sĩ Lê Minh Trường với tên là "Hoang vu", ngoài ra còn 1 bức có tên "Thuyền trăng" được cất giữ ở nhà tiến sĩ Thái Kim Lan, trú tại Bạch Đằng - TP. Huế.
Vào tháng 6/1965, anh là cán bộ Ban Tuyên huấn Thành ủy Huế, với vai trò là một cán bộ Ban thanh vận. Vừa hoạt động cách mạng, họa sĩ Lê Minh Trường còn là một nhà báo đắc lực ở chiến khu, anh tích cực hoạt động, sáng tác dù trong bất cứ hoàn cảnh khó khăn nào cùng không ngăn được anh lùi bước. Lê Minh Trường đã thực hiện một bức tranh khắc gỗ Hồ Chí Minh trên trang nhất báo Giải phóng - Cơ quan của Mặt trận dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tỉnh Thừa Thiên Huế, số ra vào thứ 7, đầu tháng 5/1967 (số 83). Với chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng nét khắc rất chuyên nghiệp, tỉ mỉ, thanh nhã và đầy ắp tình cảm trân quý về Chủ tịch, đặc biệt là diễn tả đôi mắt với ngôn ngữ đồ họa thật sâu lắng và rung động lạ thường - điều không dễ đối với người nghệ sĩ đồ họa trong điều kiện thiếu thốn gian khổ đủ bề dưới mưa bom bão đạn ở chiến khu.
Giữa lúc đang căng đầy nhiệt huyết và sự sáng tạo của một người con yêu nước, họa sĩ Lê Minh Trường bị địch phục kích khi đang đi công tác địa bàn ở Long Hồ, Hương Hồ - Thừa Thiên Huế và anh đã hy sinh ngày 20/2/1968. Anh Lê Minh Sanh cho biết, khi hy sinh trong túi quần Lê Minh Trường có thẻ sinh viên Trường cao đẳng Mỹ thuật Huế.
Chiến tranh đã qua, hình ảnh người họa sĩ, người con của xứ Huế năm nào - người sinh viên của Trường cao đẳng Mỹ thuật Huế khóa 4 chuyên ngành Hội họa vẫn còn in đậm dấu ấn trong mỗi thế hệ thầy và trò Trường đại học Nghệ thuật Huế với một tình cảm vô cùng trân trọng, tự hào. Mộ của anh đặt tại nghĩa trang thành phố và còn đó câu thơ nhắn nhủ do chính tay anh ghi khắc trên tường cầu thang Cửa Ngăn, nơi khi là sinh viên học ở trong Đại Nội: “Đất nước đang cơn khói lửa mờ/Chí trai đừng luyến một duyên tơ/Nghe theo tiếng gọi hồn sông núi/Rọi đến muôn thu ánh chẳng mờ”.
PHAN THANH BÌNH