Bông cúng không thể thiếu trong đời sống tâm linh của người dân Cố đô

1 - Khi “Lãng du trong văn hóa Việt Nam”, nhà nghiên cứu Hữu Ngọc đã nhận xét: “Văn hoá truyền thống Việt Nam mang dấu ấn  của hoa”. Ông đếm được trong Truyện Kiều có tới hơn 130 câu thơ sử dụng chữ “hoa”, không kể những câu thơ sử dụng tên hoa như: phù dung, đào, (lửa) lựu, mai, lan, huệ… có thể đến hàng trăm.

Cũng từ rất xa xưa, bao thi nhân mặc khách đã từng tâm niệm: xứ Huế là xứ hoa. Góp hương sắc vào vườn hoa Huế, không chỉ có những loài hoa đồng nội, dân dã như bông cẩn, bông thọ mà còn các loài hoa vương giả chỉ dành cho các đấng quân vương ngự lãm một thời như ngô đồng, sen Tịnh Tâm; không chỉ những loài hoa nở theo mùa như mai, thiết mộc lan, hoàng hậu… mà còn những loài nở quanh năm như kim phượng (phượng cúng), báo hiệu thời tiết như nguyệt quế, hoa náng trắng (bông lụt); và vô vàn những loài hoa không quá phổ biến khiến ai đi qua cũng phải ngỡ ngàng vì chưa kịp gọi tên…

Tất cả đã kiến tạo nên cho Huế một không gian hoa bốn mùa: rực rỡ, lãng mạn và cũng hết sức tinh tế…

Và cũng từ lâu, hoa đi vào ca dao. Mỗi biểu tượng hoa xuất hiện trong mỗi bài ca dao mang một ý nghĩa riêng. Như, biểu trưng cho thân phận: “Anh đừng ham bông quế, bỏ phế bông lài/Mai sau quế rụng, bông lài thơm lâu”. Hay biểu trưng cho giá trị con người: “Hoa lý là chị hoa lài/ hoa lý có tài hoa lài có duyên”.

Hoa còn biểu trưng cho vẻ đẹp hình thức và phẩm hạnh: “Vợ anh như trúc như thông/ Như hoa mới nở như rồng mới thêu”… Người dân Huế kinh kỳ, tự hào về loại sen trắng như tự hào về cái nết của con gái Huế: “Hồ Tịnh Tâm giàu sen bạch diệp/Đất Hương Cần ngọt quít, thơm cam”…

Hoa là thực thể vốn mỏng manh yếu đuối chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn, nên người xưa khi thưởng hoa đã có ý thức giữ gìn vẻ đẹp mảnh mai của hoa. Vì thế hoa cũng biểu trưng cho những giai đoạn của đời người. Với mỗi trạng thái, hoa mang một ý nghĩa biểu trưng riêng: đọt bông, búp bông là khi người con gái mới đến thì, đẹp tươi, xuân sắc: “Trách lòng cha mẹ vụng toan/ Bông búp chẳng bán để tàn ai mua”; hoa nở là khi người con gái đã lập gia đình: “Anh đến tìm hoa thì hoa đã nở/ Anh đến bến đò thì đò đã sang sông…”; hoa rơi biểu trưng cho người phụ nữ tủi phận kém may: “Ra đường thấy cánh hoa rơi/ Đưa tay nâng lấy cũ người mới ta”; hoa tàn là khi nhan sắc người phụ nữ đã tàn phai: “Vì ai cho thiếp võ vàng/ Vì ai cho thiếp hoa tàn nhị rơi”. Bao nhiêu cảnh ngộ là bấy nhiêu những tâm tình giăng mắc của người xưa…

Nếu ai băn khoăn không biết hoa nào quý nhất trong các loài hoa gần gũi với đời sống nhân dân ta, thì đâu có thiếu: “Hoa nhài, hoa sói, hoa ngâu. Không bằng hoa bưởi thơm lâu dịu dàng”. Nhưng có lẽ trên hết vẫn là hoa sen biểu hiện cho sự thuần khiết, thánh thiện, trắng trong: “Trong đầm gì đẹp bằng sen/Lá xanh bông trắng lại chen nhị vàng/Nhị vàng bông trắng lá xanh/Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”…

Hoa còn biểu trưng cho tình yêu đôi lứa. Ca dao dân ca xưa vẽ nên một khung cảnh tình yêu với muôn màu, muôn vẻ, với đầy đủ các cung bậc. Là lời ướm hỏi ban đầu: “Đến đây mận mới hỏi đào/Vườn hồng đã có ai vào hay chưa?”. Là lời trách móc thương yêu trong sự chờ đợi thủy chung: “Hoa tàn vì bởi mất sương/Em đây đau ốm vì bởi nhớ thương bạn vàng”…

Ngày tết ở Huế, hoàng mai là hoa được nhiều người tìm đến

2 - Người Huế thường gọi hoa là “bông” và bông đã gắn bó xuyên suốt trong đời sống dân gian.

Xứ Huế mỗi năm có hàng chục buổi lễ tế, giỗ cúng, “bông cúng” là một chất liệu không thể thiếu trong bao sính lễ lòng thành. Bên cạnh câu “Lễ bạc lòng thành”, bao giờ cũng có câu “Bông ba hoa quả”, “hương hoa trầm trà” đi cạnh như bóng như hình. Lúc đó, các loài hoa dân dã như kim phượng, vạn thọ, hoàng cúc, trang… được trịnh trọng cắm vào độc bình và luôn đặt ở vị trí trang trọng trên bàn thờ, xác tín vị trí “Đông bình Tây quả”, cạnh bát nhang, tượng Phật, mang biểu tượng tinh thần, xứng đáng được kính trọng hướng về khi chiêm bái.

Sở dĩ phải là hoa dân dã quen thuộc mới đem cúng, bởi nó gắn chặt vào ký ức tín ngưỡng tương kính bao đời, khác hẳn với các loài hoa chỉ để dành cho việc chơi hoa thưởng ngoạn, khi đem cúng khó mà thành tâm. Cũng trên bàn thờ, phẩm vật cúng nhiều khi cũng được trang hoàng bởi hoa, như hoa trên mâm xôi, hoa trên con gà, trên đầu heo cũng có khi xỏ qua lổ tai một cọng hoa cúc vàng mơ… Hoa lúc đó là biểu tượng cho lòng thành thơm thảo…

Nghi thức tế lễ, cúng giỗ cũng cần có hoa trang hoàng. Ngày giỗ tế, các tư gia hay các đình làng đều trang hoàng các bàn thờ rực rỡ hoa, thông thường các loài hoa được chọn là sen, kim phượng, trang, răm, vạn thọ… Nhiều nhà cũng gói hoa lý, hoa sứ… trong các mảnh lá chuối, đặt vào đĩa trắng dâng cúng. Ở Huế xưa nay có lệ kiêng kỵ các loài hoa thơm, song có “tì vết” như hoa nhài (bởi nó đã được ví như người con gái bất hạnh – hoa lài cắm bãi cứt trâu. Hoa tử vi cũng không được hiến cúng bởi kiêng chữ “tử”, dễ liên tưởng đến hoàng tộc (công tử, hoàng tử) hoặc cái chết… nên tránh vẫn là hay nhất.

Ngoài hoa hiến cúng bàn thờ, ngày lễ tết còn có hoa “chưng”, để mưu cầu lời trầm trồ ngợi khen từ khách đến chơi nhà. Đây là nếp phân biệt giữa “hiến cúng” truyền thống và “thưởng ngoạn” tùy thời. Hiến cúng thì lui tới cũng chỉ vài loài, mà thưởng ngoạn thì ngày một phong phú. Hoa thưởng ngoạn xưa cũng chỉ là hoa dân dã trong vườn, nay thì thêm hàng trăm loài hương sắc mênh mông. Khi hiến cúng thì người Huế kiêng cử việc tỏ lời khen hoa thơm hoa đẹp, cho rằng đó là tội “không nên”, ông bà ơn trên gia hộ chưa “hưởng” mà con cháu, gia khách đã tỏ mùi trước thì là bất kính.

Ngày tết ở Huế, hoa hoàng mai thường được chọn chưng cắm trong nhà bởi nó biểu trưng cho khí tiết, phẩm hạnh và cái đẹp uyên nguyên buổi sang xuân, như câu kệ của Mãn Giác Thiền Sư: “Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận/Đình tiền tạc dạ nhất chi mai” (Chớ tưởng xuân tàn hoa rụng hết. Đêm qua sân trước một nhành mai)…

Bài: VÕ TRIỀU SƠN - Ảnh: VÕ NHÂN