Một góc Tam Đảo

Nằm chỉ cách Hà Nội độ 80 cây số nên Tam Đảo hút được một lượng du khách đông đảo, nhất là dịp lễ lạc, cuối tuần. Chúng tôi đến đúng vào dịp cuối tuần, con đường lên núi quanh co và không quá hẹp nhưng ken đặc ô tô, xe máy, lại vướng thêm các phương tiện thi công mở rộng đường nên phải đợi chờ đến mấy bận do kẹt xe.

Tam Đảo- “Thị trấn sương mù” đây rồi. Cảm giác đầu tiên trong tôi là hơi thất vọng. Từng đi Bạch Mã, từng lưu lại Bà Nà từ buổi còn hoang sơ, từng đến cao nguyên Genting của xứ Mã Lai Á, và từng nghe Tam Đảo là một trong 6 điểm nghỉ dưỡng được người Pháp phát hiện và xây dựng đầu tiên ở Việt Nam từ cách đây cả thế kỷ, cứ ngỡ Tam Đảo phải là một thị trấn xanh, thấp thoáng những khu biệt thự, những ngôi nhà kiểu Pháp ẩn mình dưới tán xanh của rừng già nhiệt đới. Nhưng trước mắt tôi bây giờ là dày đặc nhà và nhà. Đông vui đấy, nhưng chật chội, ồn ào và không hề dễ thở bởi nồng nặc mùi các loại thịt nướng, mùi thức ăn xào nấu... bay ra từ khu chợ và các hàng quán san sát ven đường.

Đêm loanh quanh phố chợ một lúc lại trở về uống rượu với chủ nhà. Ướm hỏi giá đất, ông chủ cho hay như chỗ khách sạn ông bây giờ có giá chừng năm chục triệu một mét vuông. Hỏi các công trình ngày trước còn được bao nhiêu trong số 160 ngôi biệt thự cổ. Ông lắc đầu chỉ sang phía ngôi nhà thờ trước mặt: Duy nhất còn ngôi nhà thờ ấy. Còn thì do thời gian và chiến tranh loạn lạc, hầu như tất cả đều đã mất dấu...

Dọc đường lên tôi có một chút hơi lo bởi quên chuẩn bị cho mình ít ra là một chiếc áo ấm mỏng. Đã mấy bận ở lại Bạch Mã khiến tôi đầy kinh nghiệm, chừng 5-6 giờ chiều, không có áo khoác thì đôi lúc ngồi... “đờn” là chuyện thường. Tam Đảo núi non đồng dạng, không có áo khoác, tối chắc chỉ có nước chui vào phòng trùm chăn. Nhưng hóa ra lo hơi xa. Đêm Tam Đảo chả cần chăn chả cần áo ấm. Sáng ra, phong phanh áo vải quần lửng vẫn bát phố bình thường. Điểm đầu tiên cho ngày mới là ngôi nhà thờ đá mà ông chủ đã chỉ cho hồi đêm. Sớm, nhưng đã có rất đông bạn trẻ đến đây để lưu lại cho mình vài tấm hình của một lần lên Tam Đảo. Kiến trúc Pháp thật kỳ lạ, càng lâu càng hấp dẫn, càng thấy quý chứ không phải càng lâu càng cũ, muốn thay đi. Tiếc là một công trình đẹp như thế, nhưng giờ đây lại bị bao vây bởi vô số những công trình chen chúc, lổn nhổn vô trật tự. Từ sân nhà thờ đưa mắt nhìn quanh một vòng, thấy bâng khuâng hụt hẫng. Hình như nôn nóng cho phát triển, Tam Đảo đã thiếu đi bàn tay sắp đặt quy hoạch, bàn tay quản lý kiến trúc. Thế cho nên mật độ xây dựng đang ở mức dày đặc, và đại đa số công trình phải nói thật lòng rằng: Xấu! Chỉ chủ yếu phục vụ cho công năng ăn ở, buôn bán, dịch vụ chứ không góp phần tôn lên vẻ đẹp, sự quý giá của vùng rừng núi nổi tiếng linh sơn cát địa này.

Từ Tam Đảo nhìn về Bạch Mã mà thấy mừng, thấy quý cho ngọn non thiêng xứ Huế. Nếu cứ nôn nao, cứ chăm chắm cho duy nhất một mục tiêu tăng trưởng kinh tế mà thả toang “cánh cửa”, chắc chắn Bạch Mã đã có không ít nhà đầu tư nhảy vào. Nhưng cũng chắc chắn một điều là Bạch Mã đã không còn giữ được vẹn nguyên cảnh sắc như hiện tại.

Mới vừa đây, chúng tôi tổ chức một sự kiện ở Bạch Mã. Bạn bè, quan khách đến từ nhiều tỉnh, thành phố lớn, đa phần là dân làm báo, trong đó có nhiều nhà báo kỳ cựu đã từng đây đó nhiều nơi. Vậy nhưng, nhiều người trong số họ đã phải sửng sốt với thảm xanh của rừng, cảnh sắc của núi và sự thanh khiết mát lành của khí hậu khi vừa chạm những bước chân đầu tiên đến với Bạch Mã. “Cứ chầm chậm như Huế thế mà hay, chứ phát triển nhanh quá, không khéo chúng ta đã không còn Bạch Mã như bây giờ”- Nhà báo Tạ Việt Anh, nguyên Tổng Biên tập Báo Kinh tế đô thị (Hà Nội) đã nhận xét như vậy khi nghỉ chân dưới cội tùng già. Và rồi chúng tôi đã có một đêm buffet khó quên trên đỉnh Bạch Mã - một buffet tuyệt vời, độc đáo mà như có thành viên trong đoàn đã thốt lên, ngay cả buffet trên tàu du lịch 5 sao, hay buffet tại những khu resort sang trọng ở TP. Hồ Chí Minh, Nha Trang, Hà Nội... mà họ từng có dịp tham dự cũng khó so sánh.

Tất nhiên, không phải là không có sự sốt ruột trước tình trạng gần như “ngủ yên” của Bạch Mã. Chính quyền địa phương, lãnh đạo Vườn quốc gia Bạch Mã hẳn cũng biết điều đó. Tuy nhiên, tinh thần nhất quán là làm gì thì làm, bảo tồn môi trường hệ sinh thái vẫn phải là ưu tiên số 1. Và có vẻ như tinh thần ấy cũng chính là sự đồng cảm chung. Thế cho nên, “nhất cử nhất động” tại Bạch Mã đều được công luận “chăm sóc” rất kỹ. Huế đang thận trọng tiến hành các bước cần thiết để xây dựng và ban hành một quy hoạch thật sự chất lượng đối với Bạch Mã. Để từ cơ sở đó sẽ kêu gọi và xem xét các dự án đầu tư phù hợp và xứng tầm. Mà tầm ở đây của Bạch Mã- như nhận định của ông Giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu tư Thừa Thiên Huế Phan Thiên Định- không chỉ là tầm quốc gia mà còn là tầm thế giới. Những ai trải nghiệm nhiều sẽ thấy đó không phải là nhận định quá “ngoa ngôn” mà quả thực Bạch Mã xứng đáng như thế.

Chỉ mong cái ngày Bạch Mã thức giấc và tỏa sáng đừng là sự đợi chờ quá vô tận...     

Bài, ảnh: DIÊN THỐNG