Bao nhiêu xe mới, xe sang trọng, đắt tiền dường như không quyến rũ nổi tôi nếu không muốn nói là khó chịu. Có cái khó chịu bắt nguồn từ sự cố hữu của tâm hồn hoài vãng, có cái khó chịu bắt nguồn từ những người xem xe là phương tiện phô trương thanh thế, sự giàu có mà không tính đến yếu tố kinh tế, tiện lợi và môi trường. Có vẻ như đường không theo kịp xe, cuối cùng vẫn người nghèo chịu thiệt, hít đủ loại khói bụi đâm ra tinh thần xáo trộn, vậy là "chia tay các tình đầu" xe đạp để "kết hôn" xe máy.

Có dịp duyên nợ (tuy chưa trọn) với cả Huế và Đà Nẵng, tôi thường để ý, ngoài những ưu điểm nổi bật của Đà Nẵng ai cũng phải thừa nhận như: môi trường hành chính thân thiện, tiện lợi, tốc độ phát triển nhanh chóng, khả năng thu hút đầu tư mạnh mẽ... Đi mãi, nhìn mãi, tôi vẫn thấy có gì đó là lạ, ngoài sự vắng mặt của cây xanh, thành phố đáng sống có chi đó không giống Huế. Một ngày tôi nhận ra, đơn giản là xe đạp mất tích giữa

Chỉ là vòng quay của bánh xe lòng thành phố, nhất là những khu vực trung tâm. Niềm luyến tiếc cũng nhanh chóng nhào theo tốc độ chóng mặt của xe máy, xe hơi mà mất hút.

Rồi có hôm về Huế, dù hè nóng như đổ lửa nhưng được đi dưới những tán cây xanh, thấy xe đạp phe phẩy, nhàn hạ trên đường tự nhiên thương đời xe máy, cứ vội vàng làm chi không biết.

Yêu lắm những cô cậu sinh viên Huế nghèo, mồ hôi chua lè, chua lét vẫn thủng thẳng tới lớp, ra chợ, thăm người yêu bằng xe đạp. Cách đây 11 năm, cả lớp đại học của tôi ở Huế chỉ có 5 chiếc xe máy/65 sinh viên, không đơn giản vì chúng tôi nghèo, chỉ là tâm lí chúng tôi và ba mẹ chúng tôi nhẹ nhàng hơn các em và phụ huynh bây giờ nhiều, không coi vòng quay chầm chậm của xe là khuyết điểm. Chúng tôi được khuyến khích tiết kiệm, không đua đòi và đạp xe cũng là một cách rèn luyện thể chất. Nay tình hình đã khác, số lượng xe máy ở trường đại học, thậm chí ở bậc phổ thông cũng tăng lên đáng kể. Đó vừa là dấu hiệu tốt cho nền kinh tế khi đời sống con người được cải thiện nhưng cũng đáng ái ngại về mặt môi trường, xã hội khi các em ít nhiều mang tâm lí mua xe cho kịp bạn kịp bè dù điều kiện nhiều khi chưa cho phép.

Cháu tôi, sinh viên đại học, có lẽ là đứa hiếm hoi quyết liệt từ chối mẹ mua xe máy, chỉ muốn thủng thẳng cùng xe đạp tới trường để thể dục, thể thao và tiết kiệm chi phí. Có lẽ chính những suy nghĩ mộc mạc thế này đã góp phần giúp cho Huế không chỉ là thành phố xanh, sạch mà còn là thành phố của hoài niệm và bình yên. Chỉ sợ năm, mười năm nữa thôi, xe đạp lại mất tích giữa lòng phố Huế, chuyến này sợ đi là đi thiệt, lúc đó sẽ ngậm ngùi hát bài “nhớ khi xưa ta chở nhau trên chiếc xe đạp cũ...".

Và Huế, có còn trong tim ta, dù dang dở, như lúc này?

THU HÀ