Qua khỏi cửa kiểm tra vé, họ lại nửa đi nửa chạy để nhanh lên xe chở ra máy bay. Điều phiền toái là lên được xe trước, thay vì di chuyển vào bên trong để cho người lên sau còn có chỗ, nhưng không, họ cứ lỉnh kỉnh hành lý đứng chạng ạng ngay gần cửa, có lẽ là với suy nghĩ để khi xe đến thì nhảy xuống và lên tàu bay cho nó lẹ. Nhân viên sân bay phải nhắc nhở, yêu cầu mấy bận, họ mới miễn cưỡng dịch vào.

Xe đến chân thang máy bay, lại tái diễn cảnh chen lấn, xô đẩy, đến nỗi nhân viên kiểm tra thẻ lên máy bay phải tạm dừng làm việc để yêu cầu trật tự. Vậy mà chỉ được một thoáng, tình trạng xô đẩy lại diễn ra. Bực quá, tôi phải lên tiếng: Ai đâu ghế đó, có phải đi tàu chợ mô mà sợ hết chỗ hè?... Cuối cùng thì ai cũng yên vị chỗ ấy. Một thoáng mệt mỏi và không mấy hài lòng ở tổ tiếp viên phục vụ sau một hồi "vật lộn" hướng dẫn người này chỗ này, người kia chỗ khác, hành lý đằng này đằng kia..., cho dù vì nhiệm vụ, trên môi họ vẫn buộc phải nở nụ cười.

Máy bay hạ cánh xuống sân bay Phú Bài lúc đã gần 10 giờ đêm. Mặc dù tổ bay đã lịch sự yêu cầu vì sự an toàn của chính hành khách, đề nghị mọi người ngồi yên tại chỗ, cài khóa an toàn, không sử dụng điện thoại di dộng và các thiết bị điện tử. Nhưng nhiều người bất chấp, mở khóa dây an toàn rào rào, bấm điện thoại nhoáy nhoáy gọi báo tin cho người thân, hoặc tranh thủ mở ngăn đựng lấy hành lý và đứng sẵn ở đường đi chờ máy bay mở cửa. Trên chuyến bay, có một số hành khách là người Anh hay Pháp gì đấy đi cùng. Tôi để ý thấy họ nhìn hành khách xứ ta với cái nhìn có vẻ ngạc nhiên đến kỳ cục. Chợt nhiên thấy thèn thẹn trong lòng mặc dù biết rằng mình chẳng có lỗi gì cả, ngoài việc là một thành viên của hành khách chuyến bay. Di chuyển bằng máy bay, nhưng "đẳng cấp" vẫn chỉ là... xe lam hay tàu chợ. Và với cái tâm lý "vô trật tự" ấy, nói dại mồm dại miệng, nếu có sự cố khẩn cấp, việc thoát hiểm hẳn là điều hoàn toàn không dễ dàng mà hậu quả có khi bội phần nghiêm trọng do thói quen chen lấn xô đẩy mà ra.

Thượng Bích