Một góc Cơ Hạ

Trong số những vườn Ngự ở chốn Kinh thành Huế trước đây, thì đến nay, Thiệu Phương, Ngự viên, Cơ Hạ, Hậu Hồ, Tịnh Tâm hồ và Dữ Dã viên là những khu vườn có khả năng có thể phục hồi. Tuy nhiên, TS. Phan Thanh Hải – Giám đốc Trung tâm BTDTCĐ Huế, cho biết: “Để phục hồi được những khu vườn trên đòi hỏi phải có sự đầu tư rất lớn và có bước đi thích hợp thì mới có thể đạt được thành công. Ngày nay, chúng ta không thể phục hồi toàn bộ các khu vườn trên dù có đủ tiền bạc và những yếu tố khác để thực hiện công việc đó. Điều này là do điều kiện lịch sử đã thay đổi, bản thân phần lớn các khu vườn trên đã bị triệt giải hoặc thay đổi công năng ngay trong thời Nguyễn; mặt khác là do thiếu thốn các tư liệu lịch sử và nhiều nhân tố khác”. “Phục hồi vườn ngự đòi hỏi rất nhiều thứ: tiềm lực vật chất, tư liệu lịch sử, sự am hiểu và khả năng sáng tạo nghệ thuật. Hiện nay, chúng ta không chỉ rất khó khăn về tiềm lực vật chất mà còn thiếu cả nhiều yếu tố khác nữa, như: tầm chiến lược để đào tạo con người, tập hợp và đào tạo nghệ nhân, đặc biệt là đội ngũ nghệ nhân tài hoa”, TS. Phan Thanh Hải nói thêm.

Vườn Ngự qua tranh gương triều Nguyễn

Thời gian qua, Trung tâm BTDTCĐ Huế đã chỉnh trang và khôi phục không gian hoang phế của vườn ngự Cơ Hạ (Đại Nội) rất hiệu quả để phục vụ du khách, đặc biệt là trong 2 dịp Festival Huế 2012 và Festival Nghề truyền thống 2013. Do chưa đủ tiềm lực tự thân, nên để tổ chức các đợt trưng bày phục vụ du khách trong các dịp lễ hội, Trung tâm BTDTCĐ Huế phải phối hợp với đội ngũ nghệ nhân cây kiểng trong toàn tỉnh để hội tụ cây kiểng nghệ thuật.

Trăn trở về việc phục hồi vườn Ngự, anh Lê Công Sơn, Trưởng phòng Cảnh quan môi trường (Trung tâm BTDTCĐ Huế) kiến nghị: “Mong UBND tỉnh và các cấp ngành quan tâm việc phục hồi hệ thống vườn thượng uyển và việc sưu tầm các cây kiểng quý. Đồng thời, có cơ chế chính sách đãi ngộ và thu hút nghệ nhân cây kiểng vì đây là nhân tố không thể thiếu trong công cuộc tái thiết các khu vườn thượng uyển về lâu dài”.

Hiện nay, Thừa Thiên Huế đang có thuận lợi lớn là đã được Chính phủ phê duyệt Đề án điều chỉnh quy hoạch, bảo tồn và phát huy giá trị di tích Cố đô Huế, giai đoạn 2010-2020, đề án xây dựng Huế trở thành thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam, đề án xây dựng Huế trở thành một trung tâm văn hoá du lịch của cả nước và khu vực… Tuy nhiên, TS. Phan Thanh Hải nhấn mạnh: “Chúng ta đang rất thiếu những dự án cụ thể để triển khai các nội dung của các đề án trên một cách hiệu quả. Vì vậy, trước mắt cần đầu tư xây dựng những dự án có tính khả thi cao trong việc đào tạo nhân lực và chuẩn bị các cơ sở cần thiết cho các dự án bảo tồn và phát huy giá trị di sản, trong đó có việc phục hồi hệ thống vườn cung đình. Nếu không sớm có được những dự án như thế sẽ rất khó phục hồi được những khu vườn cung đình đúng nghĩa”.

Đồng Văn