Thiếu tư duy tích cực, lao động thất nghiệp

Các doanh nghiệp không chỉ coi trọng trình độ chuyên môn, tay nghề mà còn chú ý đến ý thức làm việc, phong cách ứng xử trong công việc của người lao động. Vì vậy, nếu không chú ý nâng cao văn hóa ứng xử, không có thái độ làm việc nghiêm túc... người lao động sẽ không được đánh giá cao, khó có cơ hội tìm việc làm hoặc ít cơ hội thăng tiến.

Ý thức tổ chức kỷ luật không cao nên trong quá trình sản xuất, nhiều lao động phung phí nguyên vật liệu, vật tư. Họ sử dụng trang thiết bị, máy móc theo kiểu “cha chung không ai khóc”, thiếu trách nhiệm trong quản lý, vận hành, bảo dưỡng. Chính vì thiếu tinh thần trách nhiệm trong nghề nghiệp có thể gây những thảm họa lớn về môi trường và xã hội. Tai nạn lao động gia tăng là hệ quả của sự bất cẩn về nghề nghiệp. Ông Hoàng Văn Phước, Trưởng phòng Việc làm – An toàn lao động (Sở Lao động, Thương binh và Xã hội) dẫn chứng: “Trong môi trường cầu toàn hóa và công nghệ hiện đại, “sai một ly có thể phải đi hàng vạn dặm”. Chỉ cần lao động bấm sai một nút điều hành trên máy móc, họ có thể làm tiêu vong cả một dây chuyền sản xuất”.

Lao động Thừa Thiên Huế được đánh giá là chịu khó, nhanh nhẹn nhưng cũng có không ít người tùy tiện, cẩu thả trong công việc, quan hệ giao tiếp... nhất là lao động phổ thông. Không ít doanh nghiệp ca thán, lao động thường xuyên trễ giờ, làm việc thì cứ chuyện trò rôm rả, thỉnh thoảng lại có người bỏ ra ngoài để đi đâu đó. Có những ngành nghề sản xuất theo dây chuyền, đòi hỏi ý thức kỷ luật cao nhưng lao động cứ tùy tiện nghỉ việc, không xin phép khiến doanh nghiệp lao đao.

Giám đốc Công ty TNHH giày da Phước Thịnh  (TP. Huế) bày tỏ: “Người lao động lâu nay làm nghề tự do nên khi phải tuân thủ những yêu cầu mang tính bắt buộc, họ không thích ứng được. Ngày nào cũng có người xin nghỉ, lúc thì đám giỗ, đám hỏi, thậm chí thích là nghỉ. Mặc dù có hợp đồng làm việc hẳn hoi, nhưng đến vụ thu hoạch, công nhân lại nghỉ việc. Nhiều lúc không đủ người làm, chúng tôi phải chạy đôn chạy đáo để thuê người”. Chính sự tùy tiện của người lao động gây  khó khăn cho hoạt động, thậm chí  thiệt hại kinh tế của doanh nghiệp.

Khó có thợ giỏi khi thiếu văn hóa nghề nghiệp

Văn hóa nghề nghiệp là phương thức, cách hành xử của người lao động với nghề nghiệp một cách văn minh. Đại diện Hội Doanh nghiệp trẻ cho rằng, học viên thực tập tại các doanh nghiệp rất mơ hồ. Nhiều người “xào nấu” lại các khóa luận của những người đi trước để hoàn thành chương trình thực tập. Thậm chí, họ chưa thực sự nhập cuộc khi thực hành máy móc tại doanh nghiệp”. Trong khi đó, nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp mới quan tâm đến kỹ năng, trình độ nghề, mà chưa trang bị văn hóa nghề cho người lao động. Trong công tác đào tạo nghề hiện nay, hợp phần giáo dục văn hóa nghề, tác phong lao động có nơi, có lúc còn bị xem nhẹ. Một số trường, trung tâm trong quá trình đào tạo chỉ chú ý làm thế nào để học sinh mình có tay nghề giỏi. Thế nên, khó để có một người thợ giỏi đúng nghĩa khi họ thiếu văn hóa nghề dẫn đến thiếu tác phong lao động.

Trong xu thế hội nhập, hoạt động tri ân người lao động cần được doanh nghiệp thực hiện xuyên suốt và xem đó là nét văn hóa tại đơn vị. Bằng cách này hay cách khác, chỉ cần doanh nghiệp ghi nhận và thưởng xứng đáng cho những cống hiến của người lao động họ sẽ yên tâm gắn bó lâu dài với doanh nghiệp. Anh Trần Văn Minh ở phường Thuận Lộc (TP. Huế) bày tỏ quan điểm khi tham gia phỏng vấn tại sàn giao dịch việc làm: “Lúc nào doanh nghiệp yêu cầu chúng tôi phải có tác phong công nghiệp, học tập nâng cao trình độ nhưng nhiều đơn vị không xem trọng công sức mà lao động bỏ ra. Chúng tôi  mong muốn doanh nghiệp có nhiều chế độ đãi ngộ, có môi trường làm việc tốt để người lao động cảm thấy đó là ngôi nhà thứ hai mình để tiếp tục cống hiến”.

Tại hội thảo “Đào tạo nghề gắn với nhu cầu của doanh nghiệp” do Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tổ chức vào cuối tháng 9, nhiều ý kiến đề xuất, xây dựng văn hóa nghề phải bắt đầu từ việc giáo dục các chuẩn mực và định hướng giá trị lao động. Điều này không chỉ được dạy từ các trường đào tạo nghề nghiệp, mà ngay từ những giai đoạn học tập đầu tiên - từ trường phổ thông cần phải xây dựng các chuẩn mực và giá trị nghề nghiệp, nếp sống mới trong xã hội, tạo dựng người lao động quen dần với một môi trường sống mới trong xã hội theo quy chuẩn của xã hội công nghiệp. Còn người lao động cần ý thức được rằng mình làm việc cho doanh nghiệp cũng chính là tích lũy kinh tế cho bản thân mình. Văn hóa an toàn lao động phải luôn được xem trọng từ việc xây dựng ý thức để phòng ngừa các yếu tố rủi ro, nguy hiểm.

Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp không chỉ đào tạo lao động có chuyên môn vững vàng mà còn có những định hướng giá trị lao động đúng đắn, phù hợp với quá trình công nghiệp hóa. Các ngành liên quan cũng cần có những văn bản pháp quy, vừa khuyến khích, động viên, vừa ràng buộc và khẳng định trách nhiệm của người lao động đối với các nhà đầu tư.

Bài, ảnh: AN NHIÊN