Chiều
Trong tranh của họa sĩ Ái Lan, ngoài chất biểu cảm của màu sắc, những đường nét tinh tế biểu hiện bên ngoài khiến người xem bị hút vào trong thế giới tâm hồn của họa sĩ qua những trường liên tưởng mạnh. Sự tương tác giữa thị giác và các đối tượng bên ngoài đã dẫn đưa người xem trở về với hoài niệm đẹp của chính mình. Đó cũng chính là ký ức của người nghệ sĩ được chia sẻ với những tâm hồn đồng cảm.
Loạt tranh có tông màu hồng của đất nâu như đoạn hồi tưởng trong những thước phim đã mở ra một không gian đa chiều kết nối giữa quá khứ và hiện tại, mà hình thể chính trong những tác phẩm đó là thiếu nữ và hoa. Thiếu nữ trong tà áo dài dịu dàng trong bức “Nguyệt cầm” được tôn vinh như một đóa sen cạnh những chiếc lá sen thấp thoảng cùng tiếng nhạc và mảnh trăng muộn. Nếu chú ý kỹ, sẽ cảm nhận được cơn sầu muộn ứng lên trong gương mặt người thiếu phụ trong tranh của Ái Lan, những vẻ đẹp của nỗi buồn thường đọng lại lâu hơn những gì rực rỡ. Xa xa, trong bức “Hoài niệm”, ta còn thấy bóng dáng kinh thành thấp thoáng và lung linh cùng những hồ sen xứ Huế.
Hoài niệm
Ngày đó, những trưa hè cũng đem lại mộng đẹp cho tuổi thơ, bức “Giấc trưa hè” của Ái Lan đã cho người thưởng ngoạn một cảm giác thanh vắng lạ thường. Ngoài loạt tác phẩm màu hồng đất, còn những tác phẩm với gam màu sáng điểm những mảng xanh như đám cỏ hay chồi lá trong màu lục non, trong đó hình tượng chính vẫn là người thiếu nữ với cánh tay buông dài trong buổi chiều bất tận. Một số tranh khỏa thân của Ái Lan còn cho người xem cảm nhận được cái đẹp của tạo hóa qua ảnh tượng người phụ nữ, cái đẹp như đóa hoa của thượng đế như một cách tôn vinh cái đẹp của tác giả.
Nguyệt cầm
Năm 2010, Ái Lan tham gia triển lãm Fesstival Huế. Huế luôn trong tiềm thức của người nữ họa sĩ này, vì qua tranh của cô, người xem có thể cảm nhận được thành quách sương khói của một dĩ vãng chưa xa, thuở đó mỗi bước chân bộ hành của người con gái trên đất Thần kinh vẫn còn khẽ vang lên tiếng guốc mộc và một thoáng hương bồ kết trên làn tóc thề lất phất trong gió. Một số nhạc cụ như: Tỳ, nhị, nguyệt... cũng được nữ họa sĩ đưa vào tác phẩm một cách sinh động, gắn kết với bố cục.
Giấc trưa hè
Tranh của Ái Lan có độ loang chảy của màu, giao hòa giữa sáng tối, mềm mại mà không yếu ớt, thiếu nữ trong tranh của Ái Lan gợi tình một cách e ấp, kín đáo... Mỗi bức tranh của người con gái đất Cố đô là một giai điệu ngân vang trong buổi chiều tà trên đất Thần kinh để kết nối giữa quá khứ và tương lai.
Bài, ảnh: LÊ HUỲNH LÂM