Cũng như nhiều người Huế, tôi biết đến Hà Thu qua game show “Tình Bolero phiên bản nghệ sĩ 2017” đang phát sóng trên kênh Truyền hình Vĩnh Long. Tôi không nhận ra Hà Thu là người Huế qua giọng nói bởi nó như đã bắt đầu lơ lớ chất giọng Sài Gòn. Vậy nhưng, vẻ đẹp và phong cách trình diễn trên sân khấu của cô, dẫu hiện đại và trẻ trung nhưng vẫn không thể lẫn lộn khi nó mang đậm đà chất Huế. Vóc dáng đẹp và một gương mặt Á Đông cũng rất đẹp, đượm buồn khi hát những ca từ đậm chất trữ tình, như:“Người đó ta đây, tình vẫn chia phôi/ Biết cuộc đời mình ra sao”. Một giọng hát vang, rõ và lảnh lót. Hà Thu biết cách thu hút chú ý của mọi người bởi sự thông minh, hài hước nhưng cũng lại ngọt ngào và quyến rũ.

Danh hiệu Á hậu Đại Dương 2014 như một bệ phóng đưa cô sinh viên du lịch Huế đến với Sài Gòn. Hà Thu bảo, đây là quyết định thể hiện tình yêu của cô đối với Huế. Cô muốn mang những giá trị văn hóa Huế đến với bạn bè cả nước cũng như những điều mới mẻ về với Huế. Chỉ 3 năm ở Sài Gòn, Hà Thu đã có dường như tất cả. Một năm sau khi đoạt danh hiệu Á hậu Đại Dương, Hà Thu tham gia cuộc thi Hoa hậu liên lục địa và đã lọt vào top 14, thành tích cao nhất của Việt Nam tại cuộc thi này. Và cuối năm nay, Hà Thu sẽ là đại diện của Việt Nam ở cuộc thi Hoa hậu Trái đất. Giữa những sự kiện lớn là Hà Thu nặng lòng quê hương với việc khai trương quán bún bò Huế tại Sài Gòn và cả cuộc thi âm nhạc “Tình Bolero phiên bản nghệ sĩ”.

Câu chuyện của Hà Thu có niềm vui và có cả những thoáng buồn. Nó gợi nhớ đến bao thế hệ trẻ tài năng của Huế ngày trước và cả bây giờ nữa đã và đang “bỏ” Huế mà đi. Hà Thu bảo, nếu ở Huế giai đoạn đầu là sinh viên mới ra trường, cô chỉ kiếm khoảng 3,5 - 4 triệu đồng/tháng. Vào Sài Gòn, số tiền đó sẽ tăng 2 - 4 lần. Hơn thế, nhờ danh hiệu á hậu đoạt được, Hà Thu có thể mở rộng mối quan hệ, tiếp xúc được với những người giỏi giang, thông minh, những người thuộc tầng lớp khác mà có thể khi chưa đoạt danh hiệu cô khó có thể tiếp cận họ. Việc kinh doanh sẽ thuận lợi hơn rất nhiều và cô kiếm tiền cũng tốt hơn. Chỉ với một sự kiện hay một chương trình, số tiền kiếm được bằng cả một tháng Hà Thu “cày” trước đây.

Khó có thể phát hiện ra người Huế nơi phương xa từ giọng nói. Hà Thu hay nhạc sĩ Nguyễn Hải Phong và cả ca sĩ Long Nhật “Huế rền” cũng đã có những đổi thay như thế. Con trai tôi học ở Sài Gòn bảo, mình nói giọng Huế với nhiều từ địa phương, người miền Nam nghe không hiểu. Thế nên, phải dùng từ phổ thông và thậm chí, phải đổi giọng là chuyện bình thường. Nói vậy để thấy, hành trình hội nhập nơi vùng đất mới đầy khó khăn và vất vả đối với những người Huế. Và, tôi đã nghĩ với một sự cảm phục sâu xa về công việc và những gì đạt được của cô bé Hà Thu 3 năm qua. Xứ Huế quê hương như sự tích tụ, ấp ủ và rồi nó như bung ra và tỏa sáng ở Sài Gòn.

Vượt xa Hà Thu, hàng chục năm ở Sài Thành đã biến Nguyễn Hải Phong thành một chàng trai hiện đại với chất giọng đã đặc sệt phương Nam. Thế nhưng, đằng sau dáng vẻ “bụi bặm” kia vẫn là một Nguyễn Hải Phong đậm đà chất Huế. Có người hỏi, có phải vì là người gốc Huế nên Phong đặt lời ca đầy chất thơ và quan trọng hơn là tạo sự khác biệt với lớp nhạc sĩ trẻ hiện nay. Phong không dấu diếm, người miền Trung dung hòa những gì có được của 2 miền Bắc - Nam, không phức tạp hóa mà cũng không đơn giản hóa, biết thân biết phận mà sâu sắc, đặc biệt ít nói. Phong cũng không ngoại lệ dù đã nói nhiều hơn ngày trước.

Cả Hải Phong, Hà Thu và nhiều người trẻ khác nữa đã từ Huế vào Sài Gòn và đến nhiều nơi phương xa lập nghiệp bởi muốn tìm những thử thách mới dành cho bản thân và họ hiểu cuộc sống, môi trường ở Huế không phù hợp. Đằng sau những thành công của họ, tôi đã thấy có bóng dáng của gia đình và quê hương.

ĐAN DUY