Hình ảnh bệnh nhân mắc ung thư ở Uganda. Ảnh: Ny Times

Bùng nổ

Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ước tính khoảng 8,2 triệu người tử vong do ung thư mỗi năm và con số này sẽ tăng lên gấp ba vào năm 2030. Hầu hết các ca tử vong vì căn bệnh này đều tập trung ở các nước phát triển, do đó nhiều người tin rằng đây không phải là vấn đề đáng lo lắng ở khu vực châu Phi. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, số lượng bệnh nhân ung thư ở châu lục này tăng lên nhanh chóng và đang ở mức đáng báo động. Đối diện với vấn nạn này, phỏng theo mô hình của chiến dịch phòng, chống AIDS ở châu Phi, Hiệp hội ung thư Hoa Kỳ vừa ký kết thỏa thuận với hai nhà sản xuất thuốc lớn nhất nước để triển khai kế hoạch cung cấp và giảm giá thuốc điều trị ung thư cho người dân trong khu vực.

Bệnh ung thư đã giết chết ít nhất là 450.000 người mỗi năm tại châu Phi. Theo dự đoán của Cơ quan Nghiên cứu ung thư quốc tế (IARC), hàng năm lục địa này sẽ có thêm hàng ngàn trường hợp chẩn đoán mắc bệnh, nâng tổng số bệnh nhân ung thư ở đây lên khoảng 1 triệu người trong vòng 5 năm tới. Ảnh hưởng từ chất lượng cuộc sống kém ổn định, kèm theo suy thoái kinh tế đang diễn ra ngày càng phức tạp là một trong những lý do chính dẫn đến thất bại trong công tác phòng và chữa bệnh của các bệnh nhân ung thư ở khu vực này.

Cụ thể, khi dân số châu Phi bắt đầu bước vào tuổi trung niên và cao tuổi, tỷ lệ mắc bệnh ung thư được ghi nhận là cao hơn, nhưng hầu hết các quốc gia ở đây vẫn chưa được trang bị đầy đủ kiến thức, tài chính cho một cuộc chiến dài hơi về sức khỏe. Tại đây, hệ thống vật tư y tế xạ trị và đội ngũ bác sĩ lành nghề còn thiếu hụt, hầu hết các triệu chứng của bệnh thường bị chẩn đoán sai. Do đó, mầm bệnh không được tiêu diệt từ gốc, phát triển lâu dài và bùng phát mạnh ở giai đoạn cuối khi các tế bào ung thư đã di căn ra khắp các cơ quan nội tạng.

Trong quá trình khám, chữa bệnh, các bác sĩ cho biết trẻ em châu Phi thường mắc hội chứng đầu to, trong khi người lớn thường mắc những chứng bệnh như ung thư vú, ung thư cổ tử cung và ung thư tuyến tiền liệt. Tỷ lệ tử vong được ghi nhận ở mức cao, với chỉ khoảng 46% phụ nữ mắc bệnh ung thư vú ở Uganda và 12% phụ nữ ở Gambia có thể kéo dài sự sống không quá 5 năm sau khi phát hiện mình mắc bệnh. Do có trình độ học vấn thấp, hầu hết các bệnh nhân ở giai đoạn cuối sẽ bị biến chứng chảy máu, nổi u mụt to khắp cơ thể và phải đối mặt với sự xa lánh của cộng đồng bởi nhầm tưởng đó là dấu hiệu của AIDS.

Khi sự sống phụ thuộc vào quỹ hỗ trợ

Vì nguồn cung cấp thuốc ung thư vẫn còn khan hiếm và giá cả đắt đỏ, nên hầu khắp khu vực châu Phi, thuốc chữa ung thư giả vẫn được bày bán tràn lan. Hiện tại, tổ chức WHO vẫn chưa xác nhận những thương hiệu thuốc nào là an toàn và hiệu quả đối với tất cả các chủng bệnh, kể cả AIDS và sốt rét.

Trước tình hình như hiện nay, hai công ty dược phẩm lớn nhất Hoa Kỳ là Pfizer và Cipla cam kết sẽ hỗ trợ bằng cách bán và tiêu thụ thuốc với mức giá sàn vào khoảng 0,5 đến 10 USD cho tổng cộng 16 chủng loại thuốc hóa trị thông thường. Cũng theo thỏa thuận, công tác cung cấp thuốc và hỗ trợ giá thuốc sẽ được tiến hành trên 6 quốc gia ở châu Phi, với hi vọng có thể cứu sống hàng chục ngàn bệnh nhân.

Ngoài ra, các nhà nghiên cứu ung thư hàng đầu Hoa Kỳ sẽ tiến hành đơn giản hóa các phương pháp điều trị, trực tiếp phổ cập kiến thức cho các bác sĩ ở bệnh viện châu Phi. Cùng lúc, các lập trình viên IBM sẽ tiến hành lập trình tổng hợp các phương pháp khám, chữa bệnh thành một công cụ trực tuyến có sẵn trên internet, tạo điều kiện cho tất cả các bác sĩ và nghiên cứu viên dễ dàng áp dụng cho quá trình khám, chữa bệnh.

Được biết, cung cấp và hỗ trợ thuốc cho các quốc gia nghèo là hoạt động hỗ trợ hàng năm của Công ty dược phẩm Cipla. Vào năm 2001, Chủ tịch Tập đoàn Cipla Yusuf K. Hamied tuyên bố sẽ bán phác đồ điều trị bệnh AIDS với mức giá 350 USD/ năm thay vì 12.000 USD như các công ty dược phẩm khác.

Việc đưa ra hàng loạt các mức giá hấp dẫn hỗ trợ công tác khám, chữa bệnh ung thư là tiền đề cho sự thành lập của các quỹ hỗ trợ như Pepfar; Quỹ Toàn cầu phòng chống AIDS, lao, sốt rét và sáng kiến tiếp cận y tế Clinton (CHAI). Trong lịch sử hoạt động, tổ chức CHAI đã thực hiện thành công nhiều buổi đàm phán giá thuốc và vaccine với các công ty dược phẩm trên thế giới, nhằm tìm ra phương án hỗ trợ tốt nhất cho các nước nghèo trong công cuộc đấu tranh với bệnh tật.

Mặc dù các tổ chức y tế đã nỗ lực thực hiện các kế hoạch triển khai biện pháp đẩy lùi bệnh ung thư ra khỏi lục địa này, nhưng cũng nhấn mạnh tiến độ phục hồi của bệnh ung thư sẽ diễn ra chậm hơn nhiều so với AIDS, do quy trình chữa bệnh đòi hỏi tốn nhiều thời gian hóa, xạ trị và phẫu thuật phức tạp. Trong tương lai, các cá nhân và tập thể cần nỗ lực hơn nữa, để hiện thực hóa và đẩy mạnh các biện pháp phòng ngừa và ngăn chặn bệnh ác tính ở châu Phi.

ĐAN LÊ

(Tổng hợp từ IGO News, NY times & DW)