Những chiếc xuồng như thế này là phương tiện di chuyển phổ biến của nhiều gia đình ở vùng sông nước Cà Mau

1 - Đường mới, với những gờ cầu mấp mô và dài gần 120 km bắt đầu từ thành phố Cà Mau nên phải gần 3 tiếng đồng hồ mới đến được Đất Mũi. Dọc hai bên đường, nhiều nhất vẫn là những cánh rừng đước, rừng tràm xanh miệt mài, là những đường thẳng ngang dọc của kênh rạch. Những vuông tôm thi thoảng và thấp thoáng. Vài ba chiếc tắc ráng hờ hững nép bên đìa. Hình như chủ nhân của chúng đã bận rộn đâu đó phía sau những khoảng xanh kia.

Gần gũi như là sự trở về. Đó là cảm giác mà tôi có khi xuôi đường về Đất Mũi. Những địa danh như Cái Nước, Rau Dừa, Đầm Cùng, Cái Lớn, Rạch Lùm, Rạch Tàu Hậu hay Rạch Gốc, Ngọc Hiển nghe như tên của những người quen cũ. Ít ra thì tôi cũng biết, mình đã bị Nguyễn Ngọc Tư ám thị nhiều quá đỗi từ những trang viết của cô, với những mênh mang sông nước phận đời, với những buồn vui phận người và nhiều lắm những thương yêu trong từng câu chuyện nhỏ. Chừng như là tôi đã đặt chân lên mảnh đất thấm đẫm của thương và nhớ. Vì thế mà cứ có cảm giác là có thể nhoài người ra để chào hỏi khi đi qua tên tuổi mỗi cuộc đất vùng quê, với những cô Năm, má Bảy, ông Hai... từ trong truyện của Tư bước ra cuộc đời.

Mũi Cà Mau - nơi mà dân Việt ai cũng mong một lần được “chạm” đến

Xuôi con đường nhiều đoạn có màu lau xám vàng. Tôi đã nghển cổ ra người cửa kính để nhìn cho rõ những thửa ruộng bồn bồn – một loại đặc sản của miền Tây mà đồng nghiệp Cần Thơ đã giới thiệu trong bữa cơm tối, theo cách nói vui của một người bạn là để “dìm hàng” đồng đội trước, dù Cà Mau mới là xứ sở của loài cây này. Nhưng thực ra, tìm bồn bồn muối chua ở một vài xóm đông đông hai bên đường dễ hơn vì nó khá bắt mắt, lại được nhiều người dừng xe lại. Ngay cả đồng nghiệp của chúng tôi cũng tấp xe vô một quán quen để xách lên hai thẩu nhỏ, ngà trắng.

Từ trên cầu Rạch Tàu có thể nhìn thấy những ngôi nhà bằng tôn san sát bên nhau dọc theo sông Rạch Tàu. Khi xe chạy trên con đường nhỏ để về xóm Đất Mũi, có thể thấy rõ những ngôi nhà hầu như đều được làm bằng tôn, trừ phần nền được đổ móng và dựng trên các chân trụ hẫng lên trên mặt nước. Võng, những người đàn ông để ngực trần, những đứa trẻ tóc cháy, những người phụ nữ với làn da nâu và nhạc bolero là điều dễ nhận ra nhất ở xóm nhỏ vùng cực nam này. Theo một con số thống kê chưa đầy đủ thì cư dân của Đất Mũi đâu khoảng trên 15.000 người. Nhiều người trong số đó đến từ các địa phương khác nhau, nên cũng là điều dễ hiểu nếu một lúc nào đó, bạn sẽ gặp người nói phương ngữ như là mình.

Không về Đất Mũi bằng tàu cao tốc, nên cũng không thấy được con đường mòn trên nước bắt đầu từ chợ Năm Căn cùng hàng quán xóm chợ xôm tụ với những vựa cá, điểm thu mua tôm, cửa hàng điện thoại di động, quán nhậu, shop thời trang... dọc theo một đoạn sông mà bạn tôi đã mô tả trong chuyến đi năm trước của mình. Nhưng có lẽ cũng vì thế mà tôi có thể hình dung rõ hơn cuộc sống của người dân nơi này ở một góc nhìn khác, gần hơn, bận rộn hơn mà cũng trễ nãi hơn qua cung cách sinh hoạt ngày thường. Ví như mấy người đàn ông khề khà bên chai xị đế mé nhà lúc gần trưa. Mùi chuối nướng thơm sâu dọc mấy dãy nhà cập sát mé kinh. Vài ba bến thuyền lưng lẻo khách. Những trái xoài chín vàng trên sạp cây và mái tôn trắng sáng lên vì bắt nắng. Tiếng ông già nào đó nhắc chừng lũ nhỏ tránh xe vọng ra ngoài đường. Dự án mở đường bắt đầu từ Năm Căn, qua Ngọc Hiển mấy năm trước giờ mới về đến Đất Mũi nên mọi thứ ở đây trở nên bề bộn với bùn nhão được đánh lên từ triền rừng nước. Những vuông đất chọn cất nhà đang đợi khô và những máy ủi, máy xúc hì hụi trong một tiến độ xem ra quá chậm rãi. Nhưng dù sao thì chúng cũng giúp tôi mường tường một dáng dấp mới về khu du lịch Đất Mũi ở thì tương lai, cho dù Ngô Đức Toàn – một đồng nghiệp khác đã có phần áy náy với khách đến từ Huế về sự bề bộn và gần như “chưa mấy sảng” ở nơi mà những ai đến Cà Mau đều muốn ít nhất được một lần “check-in” trong đời.

Cá thòi lòi nướng muối ớt đặc sản vùng ngập nước miền tây

2 - Không hẳn là rưng rưng, nhưng đó là một cảm giác có thể gọi là bổi hổi khi chúng tôi dừng bước ở cây số không, nơi đặt mốc tọa độ quốc gia GPS 0001. Nắng lúc ấy chói chang trên đầu nhưng chẳng ai để ý đến cái nóng đến bỏng rát hực lên từ nền đá hoa cương. Chưa phải là điểm cuối, nhưng ai cũng muốn có những hình ảnh được lưu giữ từ nơi này. Cũng không ít những đội hình được xếp đặt khác trong những khoảnh khắc bấm máy bên biểu tượng Đất Mũi với hình dáng con thuyền căng gió vươn mình ra biển. Khi bước lên bờ kè vốn được hình thành từ đê chắn sóng, tôi đã nhìn ra mênh mông màu bạc phía trước mình, tự hỏi có điều gì ngàn ngạt hơn khi được chạm vào một “địa đầu” khác của đất nước, để biết Tổ quốc vừa rộng dài lại vừa quá gần gũi khi nghe tiếng sóng vỗ, thấy biển dềnh lên theo hướng chạy của mấy con thuyền xé gió và bóng dáng của Hòn Khoai từ xa mờ...

Trưa ấy, nắng đổ xuống khoang thuyền, nhưng gió chừng như cũng xanh thành vệt dài theo bóng cây đổ xuống hai bên bờ nước. Toàn cho tôi hay, người ta đã dẫn giống đước, giống mắm ở đây về Cần Giờ để tái tạo lại vùng sinh quyển bị tàn phá trước đây của TP. Hồ Chí Minh. Điều này đã dựa trên đặc tính “mắm đi trước, đước theo sau” với kết cấu bền chặt từ những thuộc tính cơ bản của chúng. Trong khi rễ mắm đâm tua tủa và chĩa lên để giữ đất, giữ phù sa thì cây đước lại được sinh trưởng khi trái rơi cắm xuống mặt đất và cứ thế theo nhau mà lan tỏa sinh sôi. Nếu không có gì thay đổi, thì khoảng đất bồi mỗi năm 180m ở đây chắc chắn là có công lớn của đước, của mắm và những nỗ lực khác từ con người. Câu “đất nở ra, rừng biết đi và biển sinh sôi” ngày trước chắc chắn đã bắt đầu từ những điều như thế. Cho dù bây giờ, Cà Mau đang có hẳn một dự án hơn cả ngàn tỷ đồng để đối phó và ngăn ngừa tình trạng đất lở ở hai bờ tây, bờ đông do ảnh hưởng và tác động khốc liệt của biến đổi khí hậu.

Quán là điểm ghé đã quen của đồng nghiệp, nhưng điều làm tôi ngạc nhiên là bà chủ nói giọng Bắc, sau vài lời trò chuyện thì biết chị tên Sợi và chồng là Hưởng đã “di cư” từ Nam Định vào đây 27 năm trước. Ban đầu, họ dạt vào đây làm công nhưng bây giờ đã thành một trong những “chủ nhỏ” ở xóm Mũi này với vuông cá ngay sau nhà hàng, với vườn cây đã đơm trái và con cái đã ra riêng. Sợi kể, giờ chị đã có thêm người thân khi có đến 6 người trong gia đình theo vào định cư. Còn bà con thì nhiều lắm, không chỉ là những người đã đến từ Nam Định hay nhiều tỉnh, thành khác mà là tất thảy những người đã chọn nơi này cư ngụ, có việc gì chỉ cần ới nhau một tiếng.

Tôi nhớ màu tím thẫm của rượu trái giác lần đầu tiên mình nếm, nhớ món ba khía hấp lần đầu tiên mình ăn, nhớ vị ngọt chắc lẳn từ cua Đất Mũi và mùi thơm điếc mũi của cá thòi lòi nướng trui nóng vừa mang lên từ bếp, hẳn nhiên là cả vị chua chua bén mồi của bồn bồn muối có phần giông giống với dưa môn xứ Huế. Những sản vật địa phương, với sự giao thoa khá tinh tế từ người nấu, cách nói chuyện mộc mạc của người xứ Mũi đã trở thành hương vị khó quên trong chuyến đi dài...

Bài: HOÀNG MAI - Ảnh: DIÊN THỐNG