Khác với những lần trước đây, phòng đăng ký tiêm chủng dịch vụ của trung tâm trở nên vắng vẻ. Tôi chỉ đến sau 3 người.

Đợi đến lượt mình, trước khi ghi phiếu cô nhân viên phụ trách hỏi tôi cần dịch vụ gì?

 Tôi trả lời:

-Tôi tiêm ngừa cúm.

-Vaccin cúm hết rồi!

Tôi hỏi lại:

-Hết vaccin sao Trung tâm không thấy thông báo để khách hàng biết?

Thay bằng xin lỗi tìm mong sự cảm thông, cô nhân viên ấy lại hỏi tôi:

-Thế đã gọi điện cho phòng hành chính chưa?

-Đây là việc của cô, của trung tâm chứ không phải là việc của chúng tôi!

Ý thức rõ vai trò “ phòng bệnh hơn chữa bệnh” nên kể từ khi Trung tâm Y tế dự phòng Thừa Thiên Huế  triển khai tiêm chủng vaccin dịch vụ, cả gia đình tôi đều tham gia và đây là lần thứ ba chúng tôi tìm đến cơ sở mà mình tin tưởng để tiêm nhắc lại.

Do những lần trước phải chứng kiến cảnh chen chúc nên lần này, vì đúng lịch nên chúng tôi thu xếp công việc để đến sớm (bởi  trước đó chừng một tháng, chúng tôi mất gần cả buổi chờ đợi nhưng khi đến lượt mình, bác sĩ tư vấn xem sổ, do chưa tròn một năm nên từ chối và yêu cầu đúng ngày thì mới tiêm vaccin nhắc lại).

Tôi biết, do vaccin cúm phải nhập và cần nơi bảo quản đúng chuẩn  nên việc thiếu hụt là chuyện bình thường. Và khi đó, Trung tâm Y tế dự phòng Thừa Thiên Huế  chỉ cần ghi mấy chữ “ hết vaccin cúm”, nếu biết chắc khi  đã có vaccin thì ghi thêm ngày hẹn và  niêm yết công khai, tôi tin khách hàng sẽ không bị mất thời gian vô lối và cô nhân viên ghi phiếu cũng  không phải trả lời điều khó nghe như đã dẫn ở trên.

Dù là dịch vụ công nhưng Trung tâm Y tế dự phòng Thừa Thiên Huế cũng cần phải tôn trọng khách hàng.

Cải cách hành chính xin bắt đầu từ những điều nhỏ nhất.

Phạm Hữu Thu