Tư vấn cho phụ nữ mang thai phòng chống HIV ở BV huyện Phú Vang

Năm 2014, Việt Nam có 14 nghìn trường hợp nhiễm mới HIV; trong đó đối tượng phụ nữ chiếm 1/3. Tỷ lệ này đã tăng lên đáng kể so với năm 2007 chỉ chiếm 1/4. Theo Cục Phòng chống HIV/AIDS, hơn một nửa phụ nữ nhiễm HIV là do bị lây nhiễm từ chồng hoặc bạn tình có hành vi nguy cơ cao. Điều này cho thấy, lây truyền qua đường tình dục là nguyên nhân lây nhiễm HIV phổ biến tại Việt Nam hiện nay, tăng nhiều so với tỷ lệ này trong năm 2000 là 1/10. Đáng lo ngại, hiện chỉ có 40% phụ nữ hiểu biết về ngăn ngừa sự lây truyền HIV qua đường tình dục; đồng thời phụ nữ, trẻ em gái cũng chưa được tiếp cận với các dịch vụ tư vấn về sức khỏe tình dục, sức khỏe sinh sản (SKSS) nên nguy cơ nhiễm HIV của họ cao hơn, tỷ lệ nữ  nhiễm HIV từ chồng hoặc bạn tình thuộc nhóm có hành vi nguy cơ cao.

Những năm gần đây, phường Thủy Phương (Hương Thủy) đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho phụ nữ trên địa bàn phòng tránh HIV thông qua các chiến dịch truyền thông chăm sóc SKSS, lồng ghép các buổi hội, họp tập huấn ở các tổ, nhóm, hội phụ nữ. Hàng tháng, khoảng 250-300 phụ nữ trong độ từ 15-49 tuổi đến trạm khám sức khỏe định kỳ. Tại đây, mọi người được hỗ trợ, tư vấn kiến thức phòng chống HIV. Nếu phát hiện trường hợp có nguy cơ cao sẽ theo dõi, giới thiệu đến các trung tâm y tế xét nghiệm sàng lọc HIV.

 Bác sĩ CK I Nguyễn Thị Lành, Trưởng trạm Y tế Thủy Phương cho biết, ngoài công tác tư vấn, cung cấp thông tin, kiến thức phòng chống HIV cho phụ nữ, hàng năm ở địa phương tích cực hưởng ứng Tháng cao điểm dự phòng lây truyền mẹ sang con (LTMC). Dịp này, cán bộ y tế trạm truyền đạt, cung cấp những kiến thức liên quan đến công tác dự phòng lây nhiễm HIV cho phụ nữ, như HIV lây từ mẹ sang con trong thời gian mang thai; PNMT nhiễm HIV được chẩn đoán, điều trị sớm sẽ không ảnh hưởng đến trẻ; tầm quan trọng của việc xét nghiệm HIV… Tiếp nhận những kiến thức, thông điệp truyền thông, Tháng cao điểm dự phòng LTMC năm 2017, Thủy Phương có gần 100 phụ nữ tham gia, trong đó hơn 20 PNMT tự nguyện xét nghiệm HIV với kết quả âm tính.

Xã Bình Điền là địa bàn vùng đồi đông dân của thị xã Hương Trà. Công tác  truyền thông phòng, chống HIV đến người dân; trong đó, đối tượng phụ nữ quan tâm hàng đầu. Chị Trần Thị Xuân, cán bộ Trạm Y tế xã Bình Điền cho biết, hàng năm, địa phương có kế hoạch truyền thông HIV đến các phụ nữ, như tổ chức tư vấn khám sức khỏe, kiểm tra bệnh tật tại  trạm y tế, lồng ghép tuyên truyền định kỳ  hàng tuần, hàng tháng trên loa đài phát thanh thôn, xóm. Hiện, toàn xã có 1.108 phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ và phần lớn được tư vấn, có kiến thức cơ bản về phòng, chống HIV, nhiều phụ nữ trở thành tuyên truyền viên ở thôn, xóm.

Theo thạc sĩ, bác sĩ Phan Đăng Tâm, Giám đốc Trung tâm truyền thông giáo dục sức khỏe tỉnh, Thừa Thiên Huế là địa phương làm tốt công tác truyền thông, nâng cao kiến thức cho mọi người dân hiểu biết, phòng chống HIV. Hàng năm, trung tâm là một trong những đơn vị tích cực phối hợp với các ban, ngành địa phương, đơn vị tuyên truyền thông qua các chiến dịch truyền thông chăm sóc SKSS vùng sâu, vùng xa; tổ chức các hội thi kết hợp văn nghệ; diễn đàn tư vấn tình bạn tình yêu cho sinh viên, học sinh... nhằm cung cấp thông tin, chuyển tải những thông điệp phòng chống HIV/AIDS đến mọi người.

Bác sĩ Phan Đăng Tâm cho rằng, việc hỗ trợ về kiến thức sẽ giúp phụ nữ ngày càng tự tin trong phòng chống HIV/AIDS và có thể tự bảo vệ bản thân trước sự lây nhiễm của HIV và không phải đối mặt với phân biệt, kỳ thị. Bác sĩ Tâm cho rằng, gần đây, kế hoạch quốc gia phòng chống HIV đề cập nhiều hơn đến phụ nữ, các báo cáo về HIV có các số liệu phân tích về giới và độ tuổi, các giải pháp phòng chống HIV/AIDS hướng tới phụ nữ và trẻ em gái nhiễm HIV… Với những yêu cầu đó, rất cần sự tham gia hành động của cơ quan chức năng, cộng đồng địa phương quan tâm nhiều hơn đến phụ nữ, đặc biệt là hỗ trợ, trang bị đủ kiến thức cho phụ nữ  thiệt thòi, vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa để phòng, chống bệnh HIV/AIDS hiệu quả.

Bài, ảnh: Khánh Quan