Riêng Thừa Thiên Huế còn 3 cơ sở: làng nghề đúc đồng Phường Đúc, Thuỷ Xuân (TP. Huế); làng nghề gạch ngói Hương Vinh, Hương Toàn (TX.Hương Trà) và làng nghề sản xuất vôi hàu Lăng Cô (Phú Lộc). Về cơ bản, có 2 cơ sở làng nghề đã dừng hoạt động và đang thực hiện chuyển đổi nghề cho các hộ sản xuất, lao động, còn làng nghề đúc đồng đã giảm thiểu tình trạng ô nhiễm nhờ áp dụng hệ thống xử lý khói, bụi và sử dụng nhiên liệu đốt ít phát sinh ô nhiễm.

Một số cơ sở thuộc Quyết định 1788 như cơ sở chế biến thủy hải sản, y tế, bãi chôn lấp rác... cũng đã và đang được tỉnh triển khai xử lý triệt để thông qua nguồn hỗ trợ của Trung ương, địa phương và các nguồn huy động khác.

Thực trạng môi trường còn tồn tại ở nhiều địa phương trong cả nước là hạ tầng bảo vệ môi trường (BVMT) tại nhiều khu, cụm công nghiệp chưa được đầu tư xây dựng.

Đến nay, cả nước có 283 khu công nghiệp (KCN) đang hoạt động, trong đó mới chỉ có 212 KCN đã có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt yêu cầu, đạt tỷ lệ 75%; 615 cụm công nghiệp (CCN) đang hoạt động nhưng chỉ có khoảng hơn 5% đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung. Các KCN, CCN còn lại hoặc tự xử lý hoặc xả trực tiếp ra môi trường. Ngoài ra, còn có hơn 4.500 làng nghề hầu hết còn sử dụng công nghệ lạc hậu và tình trạng nước thải, rác thải sinh hoạt từ đô thị đến nông thôn chưa được quản lý tốt đang gây ONMT, ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống và sức khỏe người dân.

Những bất cập còn tồn tại và tiếp tục nảy sinh xuất phát từ nguyên nhân khách quan và chủ quan. Ý thức BVMT của doanh nghiệp, một bộ phận dân cư còn thấp, chưa chủ động. Đội ngũ cán bộ quản lý còn thiếu và yếu, nhất là cấp huyện, xã.

Theo số liệu so sánh mức độ quan tâm đến môi trường các nước của Tổ chức JICA, nước ta chỉ có 35 cán bộ chuyên trách quản lý môi trường trên 1 triệu dân, trong khi ở nhiều nước trên thế giới, con số này thường hơn 100, thậm chí có nước lên đến 200, 300 cán bộ. Chưa kể trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật phục vụ quản lý, giám sát hoạt động xả thải của doanh nghiệp còn rất thiếu và yếu kém.

Đầu tư cho BVMT còn rất hạn chế, chỉ đáp ứng một phần rất nhỏ so với yêu cầu. Đơn cử, chương trình mục tiêu quốc gia về khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường được phê duyệt giai đoạn 2012-2015 từ ngân sách Trung ương hơn 2.500 tỷ đồng, nhưng chỉ bố trí được 485 tỷ đồng, tức chỉ khoảng gần 20%. Còn theo dự báo nhu cầu vốn để thực hiện các mục tiêu BVMT nêu trong chiến lược BVMT đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 khoảng 40- 50 tỷ USD, nhưng khả năng đáp ứng chỉ khoảng 10 tỷ USD.

Để công tác BVMT đem lại hiệu quả cao, ngoài tăng cường tuyên truyền, giáo dục, kiện toàn và nâng cao đội ngũ cán bộ quản lý ở các cấp, việc huy động nguồn lực tài chính để đa dạng hoá nguồn vốn đầu tư cho BVMT cần đẩy mạnh. Như cơ chế huy động trên nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả đúng, trả đủ chi phí xử lý, khắc phục”, “người hưởng lợi từ môi trường phải chi trả”. Cần xem xét, rà soát, điều chỉnh các nguồn thu từ thuế, giá BVMT để đầu tư trở lại cho các hoạt động BVMT, xử lý ô nhiễm, cải tạo và phục hồi môi trường.

Hoài Nguyên