Ông Nguyễn Đại Viên, Phó Giám đốc Sở Xây dựng

Ông Nguyễn Đại Viên cho biết, QH phát triển VLXD tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 được phê duyệt năm 2008. Qua thời gian triển khai thực hiện, đến nay QH trên không còn phù hợp, xuất hiện một số bất cập cần được nghiên cứu bổ sung, chỉnh lý phù hợp. Đồng thời, cần đề xuất, bổ sung quan điểm và phương án phát triển một số công nghệ mới, vật liệu mới đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững, bảo vệ cảnh quan, giảm thiểu ô nhiễm môi trường...

Ông có thể nói rõ điểm mới của QH này?

Một trong những điểm mới nhất của QH này là xác định được thế mạnh về VLXD của tỉnh. Từ đó, tập trung phát triển sản xuất các loại VLXD có thế mạnh: xi măng, đá ốp lát, đá xây dựng, gạch ngói nung và không nung, tấm lợp, men frit… làm cơ sở xây dựng các chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư phát triển. Đồng thời, khuyến khích đầu tư các công nghệ có sử dụng phế thải, phế liệu của các ngành công nghiệp khác để tránh ô nhiễm môi trường, đưa sản phẩm đạt tiêu chuẩn khu vực và quốc tế, giá thành hạ, tăng sức cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước.

QH mới gắn phát triển các loại VLXD với QH phát triển kinh tế - xã hội, QH ngành, QH đất đai, QH đô thị, QH kết cấu hạ tầng của tỉnh, đảm bảo tính khoa học và khả thi cao. QH mới nhấn mạnh phát triển sản xuất VLXD phải đi đôi với quản lý Nhà nước trong lĩnh vực VLXD để đảm bảo phát triển bền vững.

Mục tiêu mà QH hướng đến là gì, thưa ông?

Phấn đấu đạt được sản lượng VLXD như nhu cầu đã dự báo, đối với các sản phẩm VLXD có lợi thế về thị trường tiêu thụ cần đưa sản lượng vượt từ 2 - 3 lần tuỳ theo từng chủng loại so với nhu cầu để mở rộng thị trường ra ngoài tỉnh. Nâng giá trị sản xuất ngành công nghiệp VLXD đến năm 2020 gấp khoảng 2 lần so với hiện nay. Thu hút khoảng 1.500 lao động mới vào làm việc trong ngành VLXD.

Trong QH nêu rõ, ưu tiên phát triển vật liệu thân thiện môi trường, vậy đâu là giải pháp cụ thể hóa mục tiêu trên?

Việc sử dụng gạch không nung hay vật liệu thay thế cát tự nhiên đang là hướng đi tất yếu không riêng gì của ngành xây dựng tỉnh nhà. Để khuyến khích vật liệu xanh phát triển, QH đã xác định rõ cần có chính sách cụ thể khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư. Cần tập trung xây dựng hệ thống định mức dự toán xây dựng đối với các sản phẩm vật liệu mới, vật liệu xanh. Ngoài ra, tiềm năng cát nội đồng, cát nhân tạo trên địa bàn tỉnh rất lớn, việc định hướng sử dụng những loại vật liệu thay thế này sẽ giảm bớt áp lực sử dụng cát lòng sông như hiện nay.

Cùng với đó, các doanh nghiệp sản xuất phải đầu tư chiều sâu, ứng dụng công nghệ tiên tiến, kỹ thuật hiện đại, nâng cao chất lượng sản phẩm bảo đảm độ chính xác, đồng đều về quy cách sản phẩm, đa dạng hóa mẫu mã sản phẩm phù hợp với nhu cầu thị trường. Tăng cường sử dụng phế thải công nghiệp, tiết kiệm nguyên liệu, tiết giảm chi phí sản xuất, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, lấy chất lượng sản phẩm lên hàng đầu nhằm tạo dựng thương hiệu, thị trường.

VLXD chủ yếu khai thác dựa vào tài nguyên khoáng sản, vậy theo ông cần làm gì để cân bằng giữa phát triển VLXD  và bảo vệ môi trường?

Trong quá trình thực hiện các dự án đầu tư phát triển sản xuất VLXD, khai thác và chế biến khoáng sản làm VLXD cần phải có đánh giá tác động môi trường, đề xuất các giải pháp quản lý, bảo vệ môi trường. Việc khai thác khoáng sản cần hạn chế việc sử dụng đất đai với mức thấp nhất; trước khi khai thác phải nghiên cứu toàn diện thành phần lớp đất trồng (khai thác sét gạch ngói), chọn vị trí lưu đất trồng và biện pháp bảo vệ để hoàn trả lại sau khi khai thác. Để giảm nhẹ và khắc phục tác động tiêu cực tới môi trường nước cần phải sử dụng công nghệ và thiết bị sản xuất tiên tiến; đồng thời lắp đặt hệ thống xử lý nước thải, xử lý tích cực giảm thiểu tới mức thấp nhất lượng khói bụi thải ra môi trường.

Để đưa QH đi vào đời sống, thời gian tới Sở Xây dựng sẽ thực hiện như thế nào?

Trước tiên, Sở Dây dựng sẽ tiến hành công bố QH, phổ biến QH rộng rãi trong dân cư nhằm có định hướng phát triển về sau. Căn cứ QH đó có hướng tham mưu với UBND tỉnh các chủ trương đầu tư các chương trình, dự án phù hợp cũng như khuyến khích doanh nghiệp đầu tư.

Cùng với đó, sẽ phối hợp đẩy mạnh hoạt động thanh tra chuyên ngành khoáng sản để đảm bảo thực hiện công tác kiểm tra, giám sát các hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh được thông suốt, tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động khoáng sản; nhất là công tác hậu kiểm. Sở cũng kiến nghị tỉnh cần có kế hoạch hỗ trợ kinh phí đối với các địa phương có mỏ để thực hiện công tác bảo vệ và quản lý tài nguyên khoáng sản ở địa phương, ngăn chặn các hoạt động khai thác khoáng sản trái phép và là đầu mối phối hợp với cơ quan bảo vệ pháp luật để làm tốt công tác này.

Hoàng Loan (thực hiện)