Vật chất quyết định ý thức. Kinh tế quyết định sự phát triển của xã hội. Xã hội càng  phát triển thì vai trò của các doanh nghiệp, doanh nhân ngày càng được khẳng định.  Với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong những năm qua không chỉ tăng nhanh về số lượng mà còn nâng cao về chất lượng. Riêng Thừa Thiên Huế cách đây 3 năm, con số doanh nghiệp hoạt động chưa tới con số 3 nghìn, nay tăng hơn gấp đôi (khoảng 6.500 doanh nghiệp). Đại đa số doanh nhân đều được đào tạo, có trình độ chuyên môn; nhiều người trẻ tuổi được đào tạo ở nước ngoài. Không ít doanh nhân tâm huyết, có nhiều đóng cho sự phát triển chung của địa phương, đất nước và vươn ra biển lớn. Nhiều sản “madein Hue” đã có mặt trên thị trường thế giới như hàng dệt may, đồ gỗ, bia…

Không chỉ biết làm giàu chính đáng, các doanh nhân ngày nay còn có tấm lòng tương thân tương ái đối với cộng đồng xã hội. Từ trong thiên tai, hoạn nạn đến những vùng khó khăn, từng mảnh đời bất hạnh… chúng ta đều thấy sự đồng hành, chia sẻ của các doanh nhân. Đó là điều thật đáng quý và đáng trân trọng.

Trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay, các doanh nghiệp, doanh nhân đứng trước rất nhiều cơ hội nhưng vẫn còn gặp không ít khó khăn từ cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính… Đồng hành và sẻ chia với doanh nghiệp, Đảng, Nhà nước ta đã có nhiều chính sách khuyến khích, hỗ trợ, “cởi trói” cho doanh nghiệp phát triển. Rõ nhất là việc đẩy mạnh cải hành chính. Mới đây Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các bộ phải rà soát, bãi bỏ 50% thủ tục hành chính không còn phù hợp.

Riêng Thừa Thiên Huế năm 2016 và 2017 đều được tỉnh chọn là “Năm Doanh nghiệp”, với mục tiêu tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng nhằm huy động cao nhất các nguồn lực xã hội; tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn để phát triển và mở rộng thị trường cho các doanh nghiệp. Tỉnh cũng triển khai đồng loạt các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp không chỉ về vốn, tài chính, lãi suấ mà cả về cơ chế, chính sách trong đầu tư, mở rộng sản xuất, phát triển thị trường tiêu thụ. Tỉnh thường xuyên duy trì đối thoại với doanh nghiệp để kịp thời nắm bắt, giải quyết những khó khăn của doanh nghiệp; tạo dựng môi trường thuận lợi để hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo; đảm bảo quyền kinh doanh, quyền bình đẳng tiếp cận nguồn lực và cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp… Quan trọng nhất là sự thay đổi nhận thức về quan điểm, cung cách phục vụ doanh nghiệp của đội ngũ cán bộ, công chức, xem doanh nghiệp là đối tượng phục vụ chứ không còn là đối tượng quản lý như trước đây.

Hoàng Giang