Sáng 13/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc lùi thời điểm triển khai áp dụng chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) và sách giáo khoa (SGK) mới tại Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28-11-2014 của Quốc hội về đổi mới chương trình, SGK GDPT.

Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, tiến độ thực hiện việc xây dựng, thẩm định, thực nghiệm và ban hành chương trình GDPT mới gồm chương trình tổng thể và các chương trình môn học chưa bảo đảm theo lộ trình đặt ra tại Nghị quyết 88 và Quyết định 404, thời gian thực tế cần nhiều hơn khoảng 1 năm so với dự kiến.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ giải trình tại phiên họp của UBTVQH. Ảnh: quochoi.vn

“Việc xây dựng chương trình GDPT theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực học sinh là một công việc mới đối với Bộ GD-ĐT và các chuyên gia xây dựng chương trình GDPT nên công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện có lúc còn lúng túng. Quá trình dự thảo chương trình mới và lấy ý kiến rộng rãi của các tầng lớp nhân dân nảy sinh những quan điểm khác nhau, thậm chí trái chiều nên cần thêm thời gian để lắng nghe, chắt lọc, tiếp thu, đồng thời giải thích, tuyên truyền tạo sự đồng thuận của xã hội”, Bộ trưởng giải thích.

Vì vậy, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội xem xét, cho phép giãn tiến độ 1 năm; thời gian bắt đầu triển khai áp dụng chương trình, SGK mới theo hình thức cuốn chiếu ở mỗi cấp học trên phạm vi toàn quốc đối với cấp tiểu học là từ năm học 2019-2020, đối với cấp THCS từ năm học 2020-2021 và đối với cấp THPT từ năm học 2021-2022.

Mặc dù đồng tình với tờ trình của Chính phủ, song Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình cho rằng, nếu so với lộ trình được quy định trong Nghị quyết của Quốc hội, việc áp dụng chương trình, SGK mới sẽ chậm lại 1 năm ở các lớp tiểu học, 2 năm ở các lớp THCS và 3 năm ở các lớp THPT.

Ông Bình phát biểu: “Đây là nội dung quan trọng, Thường trực Ủy ban đề nghị Chính phủ và Bộ GD-ĐT đánh giá nghiêm túc những công việc đã thực hiện, xác định đầy đủ nguyên nhân dẫn đến việc chậm trễ so với kế hoạch ban đầu; tính toán kỹ lưỡng khối lượng công việc còn lại và thời gian cần thiết để thực hiện”.

Người đứng đầu Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng cũng lưu ý về khả năng đáp ứng nguồn lực ở cả cấp Trung ương và địa phương, cũng như những khó khăn, thách thức có thể ảnh hưởng đến kế hoạch thực hiện. Từ đó nghiên cứu, đề xuất một số phương án lùi thời gian bắt đầu áp dụng và phương thức triển khai chương trình, SGK mới; cung cấp đầy đủ thông tin về ưu điểm và hạn chế của các phương án để Quốc hội có căn cứ xem xét, quyết định.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng, tiến độ thực hiện không đạt yêu cầu đề ra nên rõ ràng phải điều chỉnh. Tuy nhiên, ông Định thẳng thắn phê bình: “ Tờ trình viết không đúng, phải nói thẳng là xin lùi thời điểm bắt đầu thực hiện chương trình và SGK mới. Nói giãn nhưng 5 năm mới xong thì bản chất là lùi. Có lớp lùi 1 năm, có lớp 2 năm, có lớp 3 năm. Cho nên làm rõ vấn đề trình làm rõ sự cần thiết về lý do và đánh giá việc lùi như vậy tác động như thế nào”.

Theo SGGP