Mô hình nuôi cá lồng ở xã Quảng Phước (Quảng Điền) cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm

Gia đình ông Trần Văn Sơn đến vùng gò đồi Phong Xuân lập nghiệp cách đây hơn 40 năm chỉ với “hai bàn tay rắng”. Thiếu vốn, kiến thức, kỹ thuật sản xuất là điều mà ông Sơn cũng như nhiều hộ kinh tế mới trăn trở. “Đến khi tiếp cận được nguồn vốn từ Quỹ Hỗ trợ nông dân (QHTND) thuộc HND huyện Phong Điền, người dân mới có điều kiện phát triển sản xuất”, ông Sơn chia sẻ.

Bằng nguồn vốn vay 20 triệu đồng từ QHTND và HND huyện Phong Điền tạo điều kiện tín chấp vay thêm ngân hàng, ông Sơn xây dựng chuồng trại, ban đầu chỉ nuôi một số lợn nái, lợn thịt và chăn nuôi vài chục con gà. Quy mô sản xuất được mở rộng hằng năm, từ gia trại vài chục con, đến nay đã phát triển thành trang trại 300-400 con lợn thịt/năm.

Ông Sơn nói: “Có điều kiện về vốn, được HND các cấp tạo điều kiện tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật sản xuất, tui mở rộng quy mô chăn nuôi gà lên 10 ngàn con/năm. 5 năm gần đây, doanh thu bình quân mỗi năm từ chăn nuôi lợn, gà  đạt 2,5 tỷ đồng, lãi ròng trên 200 triệu đồng”.

Cũng tại vùng đồi Phong Xuân, những năm gần đây xuất hiện nhiều trang trại chăn nuôi, trồng trọt có hiệu quả bằng nguồn vốn vay từ QHTND. Nguồn vốn vay ban đầu tuy chỉ từ vài chục triệu đồng nhưng là tiền đề và động lực thúc đẩy phát triển quy mô sản xuất cho nông dân.

Ông Trần Văn Minh, chủ trang trại ở Phong Xuân bày tỏ: “Hình thành được trang trại tổng hợp như bây giờ là nhờ nguồn vốn vay 30 triệu đồng từ QHTND. Ban đầu chỉ chăn nuôi lợn, gà quy mô nhỏ. Nguồn vốn thu được từ các lứa lợn, gà đầu tiên, tui đầu tư mở rộng quy mô trang trại lên hằng năm. Giờ đây, trang trại có cả vườn tiêu, cây ăn quả, nuôi cá, lợn, gia cầm...; mỗi năm cho thu nhập hơn 100 triệu đồng”.

Chủ tịch HND huyện Phong Điền- Nguyễn Thị Như Quỳnh tự tin: “Đời sống nông dân có được như hôm nay một phần nhờ sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp HND. Từ nguồn QHTND huy động được hằng năm đã giải ngân cho hộ nghèo đầu tư phát triển sản xuất. Học tập từ các mô hình kinh tế hiệu quả, lớp chuyển giao khoa học, kỹ thuật tiên tiến do HND tổ chức, nhiều hộ ứng dụng vào thực tiễn mang lại hiệu qủa kinh tế. Những năm gần đây, trên địa bàn huyện Phong Điền có hàng trăm hộ có nguồn thu nhập mỗi năm từ 50 triệu đến hàng trăm triệu đồng từ các mô hình kinh tế”.

Ngày 14/10/1930, Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam) quyết định thành lập Tổng Nông hội Đông Dương (nay là HND Việt Nam) nhằm tập hợp giai cấp nông dân trong cuộc đấu tranh vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

Trải qua các thời kỳ kể từ khi thành lập, cùng với cả nước, HND các cấp trên địa bàn tỉnh có nhiều nỗ lực, đóng góp to lớn trên các mặt trận xóa đói, giảm nghèo...

Ông Trần Văn Lập, Phó Chủ tịch Thường trực HND tỉnh cho rằng, hằng năm, HND từ cơ sở đến cấp tỉnh đều triển khai phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi (SXKD) giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững. Phong trào có sức lan tỏa rộng khắp từ đồng bằng đến miền núi, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội khu vực nông thôn. Chỉ tính riêng 5 năm qua, toàn tỉnh có hơn 60 ngàn hộ nông dâng đăng ký, trong đó có 50 ngàn hộ đạt danh hiệu nông dân SXKD giỏi các cấp.

Nhiều hộ nông dân đã trở thành chủ doanh nghiệp, chủ các cơ sở SXKD, dịch vụ, chủ trang trại... doanh thu từ 800 triệu đến 2,5 tỷ đồng/năm. Điển hình như hộ Nguyễn Văn Hồ ở xã Điền Hương (Phong Điền), Nguyễn Quốc Trung ở xã Hương Bình (Hương Trà), Hồ Đăng Lợi ở thị trấn Sịa (Quảng Điền), Phạm Ngạch ở xã Phú Thuận (Phú Vang), Nguyễn Thị Ba ở xã Lộc Bổn (Phú Lộc), Trần Văn Hoài ở xã Hương Giang (Nam Đông), Văn Đình Quế ở xã Sơn Thủy (A Lưới)...

Phát huy vai trò nòng cốt, các cấp HND đã tuyên truyền, vận động nông dân tích cực tham gia chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM). Ngoài nỗ lực từ HND, đời sống nông dân gày càng có nhiều chuyển biến là thuận lợi lớn trong việc vận động bà con tham gia xây dựng NTM. Nhiều hộ tự nguyện hiến đất, hiến cây để xây dựng các công trình công cộng, giao thông, thủy lợi.

Trong vòng chưa đầy 5 năm, nông dân toàn tỉnh đã hiến gần 1,3 triệu m2 đất, đóng góp gần cả trăm tỷ đồng và 150 ngàn ngày công để xây dựng, sửa chữa đường giao thông nông thôn, hơn 5.500 km kênh mương nội đồng và hàng trăm nhà văn hóa cộng đồng... Gần một trăm công trình nước sạch, bảo vệ môi trường được nông dân đóng góp kinh phí để nâng cấp, 165 mô hình bảo vệ môi trường trong NTM được xây dựng, phát huy hiệu quả.

Bà Phạm Thị Minh Huệ, Chủ tịch HND tỉnh đánh giá cao những nỗ lực của các cấp HND trong những năm gần đây đã phát huy vai trò, tinh thần trách nhiệm trong công tác tuyên truyền, vận động, hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, thoát nghèo bền vững, vươn lên làm giàu chính đáng. Hằng năm, phần lớn các tổ chức, cơ sở HND đều được công nhận hoàn thành tốt nhiệm vụ; hàng chục tập thể và hàng trăm hộ nông dân có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua SXKD giỏi các cấp.

Bài, ảnh: Hoàng Triều