Trước tình trạng này, Tawakkol Karman, chủ nhân của giải thưởng Nobel Hòa bình Yemen đã nhiều lần bày tỏ sự thất vọng và khiển trách cộng đồng quốc tế vì đã bỏ qua Yemen – một quốc gia đang phải đối mặt với nhiều vấn đề cả về chính trị và xã hội.
Số lượng bệnh nhân mắc bệnh tả ở Yemen đang ngày càng tăng. Ảnh: Dw
Vào đầu năm nay, Tổ chức cứu trợ Save the Children đã cảnh báo sẽ có khoảng hơn 1 triệu trường hợp mắc dịch bệnh tả ở Yemen, trong đó bao gồm ít nhất 600.000 trẻ em. Cụ thể, bình quân mỗi ngày Yemen sẽ chứng kiến khoảng 4.000 trường hợp mắc bệnh. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố, từ ngày 27/4 đến ngày 10/10, quốc gia này có tổng cộng 815.314 trường hợp bị nghi ngờ nhiễm bệnh và 2.156 ca tử vong do bệnh tả trên địa bàn cả nước.
"Bệnh tả đã xuất hiện ở Yemen trong một thời gian dài, nhưng chúng tôi chưa bao giờ thấy sự bùng nổ của dịch bệnh này với quy mô lớn và tốc độ nhanh đến vậy. Đó là những gì con người phải hứng chịu tại một quốc gia đang xảy ra xung đột, khi một hệ thống y tế đang trên bờ vực sụp đổ, khi nhiều đứa trẻ đang đói khát và khi người dân không thể tiếp cận các dịch vụ y tế cần thiết ", ông Tamer Kirolos, Giám đốc Tổ chức Save the Children của Yemen cho hay.
Không chỉ riêng dịch bệnh, hiện đã có khoảng hơn 10.000 người đã thiệt mạng và hơn 3 triệu người khác phải chạy trốn, kể từ khi quốc gia này bắt đầu xung đột. Cũng theo Liên Hiệp quốc (LHQ), hơn 80% dân số của Yemen đang cần sự trợ giúp khẩn cấp và hàng trăm ngàn người không thể tiếp cận với nguồn nước sạch, để sử dụng trong sinh hoạt.
Tổ chức Y tế Thế giới hiện xếp Yemen là một trong những quốc gia có tình trạng nhân đạo tồi tệ nhất trên thế giới cùng với Syria, Nam Sudan, Nigeria và Iraq. Số lượng lương thực quan trọng được nhập khẩu của nước này cũng đang ở mức thấp khi nhiều cảng biển đang bị phong tỏa. Liên hợp quốc đã cảnh báo 17 triệu người, tương đương 2/3 dân số Yemen, có nguy cơ chìm trong nạn đói.
Đan Lê (Lược dịch từ Dw)