Thầy Phan Chí Long

21 tuổi, anh thanh niên Phan Chí Long theo tiếng gọi của Tổ quốc lên đường nhập ngũ. Năm 1954, tập kết ra Bắc, sau đó được đơn vị cho đi học sư phạm văn ở Trường Đại học sư phạm I - Hà Nội. Ra trường, thầy đi dạy vài năm rồi được điều động ra Bộ Giáo dục để viết sách giáo khoa. Năm1975, thầy giáo Long về quê đảm nhận dạy ngữ văn ở Trường THPT Nguyễn Huệ. Thầy về hưu năm 1983 và tâm niệm “bằng mọi giá phải nuôi dạy được bốn đứa con đến nơi đến chốn”.

Vốn sinh ra trên mảnh đất thuần nông, xin thêm mấy sào ruộng, vỡ hoang mấy đầm hồ bỏ không, thầy giáo Long trở thành nông dân chính hiệu. Thời gian rảnh, thầy đi các hồ nước câu cá nuôi con. Điều này, bà con thôn Xuân Hòa biết rõ. Muốn giành nhiều thời gian cho vợ chuyên tâm công tác, tự tay thầy chăm lo hết mọi việc trong nhà, từ ruộng vườn, nuôi heo, cơm nước, giặt giũ đến tắm rửa, đưa đón con đi học.

Nhà thầy giáo Long có ba người con gái và một cậu con trai út, có cùng một mẫu số chung: học Trường Quốc Học, chung Trường đại học Sư phạm Huế và có chung đam mê nghiên cứu khoa học. Người con đầu là chị Phan Hà Thủy (sinh 1969), thạc sĩ Anh văn, hiện là Tổng giám đốc trường tư thục quốc tế tại TP Hồ Chí Minh. Người con thứ hai là chị Phan Hải Đường (sinh 1972), tốt nghiệp sư phạm Ngữ văn, đang công tác tại ngân hàng Vietcombank, chi nhánh TP Hồ Chí Minh. Con gái thứ ba là chị Phan Hồng Nhung (sinh1974) tốt nghiệp sư phạm Anh, thạc sĩ quản trị kinh doanh, hiện là chuyên gia kinh tế, công tác và sống ở Úc.

Niềm tự hào lớn nhất được gửi trọn ở người con trai út, anh Phan Bảo Ngọc (sinh 1975). Tốt nghiệp với tấm bằng xuất sắc của Khoa Vật lý Trường đại học Sư phạm Huế, Ngọc được du học và nhận luôn bằng tiến sĩ tại Trường đại học Paris (Pháp). Là một trong số nhà thiên văn học hiếm hoi của Việt Nam, anh Ngọc vinh dự được nhận giải thưởng quốc tế cho công trình nghiên cứu “Phương pháp quan sát các ngôi sao Lùn nâu”. Hiện, anh giữ chức Vụ trưởng bộ môn Vật lý Trường đại học Quốc tế TP Hồ Chí Minh.

Ông Ngô Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã Thủy Vân khẳng định, ở xã tôi, chưa có một ai tâm huyết và dốc lòng vì sự nghiệp giáo dục và khuyến học như thầy giáo Long. Với tâm niệm “sống phải thực ở đời”, “cho con cho cháu tiền rồi cũng tiêu hết, nhưng cho cái chữ là nó giữ muôn đời”, vì vậy dạy hết con đến cháu, thầy giáo già tìm đến con cái của đồng đội, bà con xóm làng. Cháu nào cần hỏi gì thì “cứ qua ông Long”, bà con cần giúp gì “cứ qua ông Long”.

Là người khởi xướng và đứng ra quyên góp, huy động quỹ khuyến học đầu tiên ở xã Thủy Vân, đến nay đã gần 20 năm, dù tuổi cao sức kém, nhưng người thầy vẫn đi từng nhà động viên bà con đầu tư cho con cái học hành. Người dân quê ông vẫn còn nghèo nên việc đóng góp để duy trì quỹ khuyến học thật gian nan. Thu không đủ chi, thầy giáo Long bàn với vợ và con cái ủng hộ thêm. Đã thế, những cháu nào học giỏi xuất sắc, gia đình thầy còn có quà tặng riêng để động viên các cháu học tốt hơn. Chính vì tấm lòng thơm thảo của mình, thầy được bà con thôn Xuân Hòa yêu mến và kính nể.

Bài, ảnh: Quỳnh Lâm