Theo học khối chuyên, học sinh có cơ hội học tập trong môi trường năng động, giáo viên trình độ cao

THPT chuyên (thường gọi là khối chuyên) Trường ĐH Khoa học Huế được thành lập từ năm 1995 với mục tiêu ban đầu là bồi dưỡng những học sinh xuất sắc về toán học. Qua nhiều năm, khối chuyên mở thêm các lớp chuyên văn, hóa, sinh. Điểm nhấn của THPT chuyên chính là chất lượng giáo dục, thể hiện rõ ở chất lượng đầu ra. Năm học 2016 – 2017, 100% học sinh đỗ đại học từ nguyện vọng 1 (các năm học trước tỷ lệ này đạt 98%). Đào tạo mũi nhọn cũng là một trong những dấu ấn của khối chuyên, từ năm 1995 đến nay, đã có 31 học sinh đạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia và Olympic 30/4.

Khi vào môi trường học tập với hàm lượng kiến thức được truyền đạt tốc độ nhanh ở mức độ nhiều đã khiến các em phát huy được năng khiếu, sở trường. Để học tập tại môi trường khối chuyên đòi hỏi học sinh phải có tố chất tư duy, tinh thần tự học, chủ động, tích cực để tiếp thu kiến thức tốt và tổng hợp lại thành kiến thức của bản thân chứ không phải chỉ thụ động học của người khác. Em Lê Hữu Bình Minh (lớp 12 chuyên văn, Trường ĐH Khoa học Huế) chia sẻ: “Học khối chuyên cần phải có năng lực tự học. Các môn chuyên được dạy bởi giảng viên của trường và có các tiết học tăng cường nên em không cần học thêm vẫn có thể tiếp thu lượng kiến thức cần thiết, tự trau dồi và vận dụng”.

Đối với các môn chuyên, mỗi kỳ học sinh sẽ có thêm 40 tiết học với giảng viên của trường. Thầy giáo Nguyễn Đắc Liêm, giảng viên Khoa Toán cho hay: “Môn chuyên thời lượng học gần như gấp đôi so với học sinh THPT bình thường. Môn học còn phân ra từng phần nhỏ và mời giảng viên giỏi nhất về dạy”. Nằm trong trường đại học nên cơ chế quản lý của khối chuyên khá thoáng, tạo nhiều điều kiện cho giáo viên chủ động điều tiết phương pháp dạy học. Cô giáo Võ Thị Quỳnh (giáo viên Ngữ văn Trường THPT Chuyên Quốc Học đã về hưu, cũng là người gắn bó nhiều năm với khối chuyên trường ĐH Khoa học) cho biết: “Khác với học sinh các trường THPT khác, học sinh khối chuyên luôn được đổi mới cách học. Giáo viên dùng các mối quan hệ để mời chuyên gia trong lĩnh vực về giảng dạy cho các em. Đơn cử như môn Ngữ văn, cũng là 2 tiết học, nhưng có khi các em không học ở lớp mà được trò chuyện với nhà văn Nhật Bản tại buổi giao lưu của ông ở nhà sách. Tại đó, học sinh có thể tìm hiểu văn học Nhật Bản từ một nhà văn bản địa, rất lý thú và chân thực”.

Bên cạnh việc đảm bảo chất lượng đào tạo, trường còn đa dạng các hoạt động để học sinh phát triển toàn diện trên nhiều lĩnh vực khác, như các hoạt động thể thao, văn hóa, văn nghệ, phát triển các kỹ năng mềm cùng với sinh viên đại học. Môi trường học của học sinh nơi đây có nét đặc trưng mà ít học sinh THPT có được. Các em đến từ nhiều vùng, miền với những hoàn cảnh khác nhau nhưng không khí trong trường thường được phụ huynh và học sinh đánh giá là gần gũi, có tính gắn kết cao giữa các lớp, các khối và với hệ đại học. Nhiều thế hệ cựu học sinh thường trở về tham gia hoạt động ngoại khóa, trò chuyện, giao lưu với học sinh mới. Em Lê Văn Nhật (lớp 10 chuyên toán, Trường ĐH Khoa học Huế) cho biết: “Khối chuyên chúng em thường được gọi là “em út của trường”, được thầy cô và các anh chị sinh viên quan tâm, tạo điều kiện cùng tham gia tất cả các hoạt động như một sinh viên. Nhiều hoạt động ngoại khóa bổ ích đã giúp em rèn luyện được kỹ năng sống, mạnh dạn và giao tiếp tốt hơn. Em tin mình sẽ không có nhiều bỡ ngỡ khi học đại học sau này”.

Mặc dù có nhiều thuận lợi như giáo viên trình độ cao, môi trường học tập năng động nhưng theo ông Võ Thanh Tùng, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Huế, vấn đề kinh tế, cơ sở vật chất vẫn chưa được đầu tư đúng mức, sức cạnh tranh từ các trường THPT trên địa bàn ảnh hưởng đến chất lượng đầu vào. Nguồn nhân lực đào tạo còn hạn chế, ngoại trừ giáo viên của các môn chuyên thì giáo viên đào tạo phổ thông là từ các trường THPT trên địa bàn. Ông Võ Thanh Tùng nói thêm: “Chúng tôi sẽ tiếp tục tạo cơ hội cho các em học phổ thông trong trường đại học và đồng thời giúp các em học tập tốt hơn”.

Bài, ảnh: PHƯỚC LY