Rất nhiều người  nói, và cũng đã nói rất nhiều, rằng phát triển mà giữ được truyền thống là điều không dễ. Nhưng phát triển mà để mất mát là điều không nên.

Người viết bài này thì nghĩ, những ai đã biết phát triển thì không bao giờ sợ mất truyền thống, và cũng không bao giờ đánh mất truyền thống. Họ rất biết nương tựa vào truyền thống. Tôi nghĩ đến điều này là khi nhìn hình ảnh và xem một clip về khu resort Phú Quốc. Tại sao các kiến trúc sư từ đâu đâu đến đây mà họ tài thế. Tại sao họ sử dụng gỗ và mái lá, rừng cây vào công trình đẹp thế.

Có vẻ như họ nghiên cứu rất kỹ, hiểu được nét đẹp của kiến trúc, vật liệu xây dựng, cây trồng bản địa; họ hiểu được những ai muốn đến đây, có điều kiện đến đây cần một không gian như thế nào… Cái tài và cái hay của các kiến trúc sư là không phải bê nguyên xi kiến trúc, không gian truyền thống mà được “tiêu hóa”, nâng nó lên. Nhìn vào các khối nhà cũng có những vật liệu hiện đại như kính, bê tông… nhưng ta vẫn thấy dáng dấp của ngôi nhà Việt. Đó là vì kèo, mái lá; thấp thoáng ở sau hay bên góc nhà là những cây dừa xanh; đó là hàng những hàng rào “hờ hững” bằng một hàng hoa chuối… Tiền “đống” được bỏ ra sắm đầy đủ tiện nghi để đảm bảo không thiếu cái gì phục vụ cho một nhu cầu cao cấp. Nhưng vẫn thấy nét quê, hồn quê - quê Việt chính cống.

Thế thì những cái hay, cái đẹp này sinh ra từ đâu? Nói một cách khái quát là từ tài năng - tài năng của những kiến trúc sư giỏi. Nhưng điều kiện nào để thể hiện tài năng đó? Đó là sự phát triển, nói một cách cụ thể ở khía cạnh kinh tế, là có tiền. Nhưng có tiền trong tay rồi người ta làm gì? Người ta đã kỳ công sinh ra những cái thứ hết sức đẹp đẽ để phục vụ cho nhu cầu con người, những con người có nhu cầu rất cao về điều kiện vật chất và thẩm mỹ. Cụ thể tại khu resort này đó là nét truyền thống của không gian Việt. Như vậy, đôi khi, giữ truyền thống cũng không phải là giữ một cách chung chung, mà là cái gì hết sức cụ thể. Phải “tiêu hóa” nó để phù hợp với xu thế phát triển. Bởi phát triển là một “mệnh lệnh”, không thể và không bao giờ cưỡng lại được. Đơn gian nó là nhu cầu, là động lực, là mục tiêu mà con người hướng đến. Mọi phát minh, sáng chế, nói chung là những điều vĩ đại được sinh ra, suy cho cũng xuất phát từ nhu cầu này - nhu cầu phát triển. Vậy thì nó cho ta một suy nghĩ, có khi ôm khư khư truyền thống nhưng không giữ được truyền thống. Và ngược lại, phát triển nhưng vẫn không đánh mất truyền thống.

Nhưng không phải người nào cũng làm được điều này. Chỉ người giỏi mới biết làm điều này. Đó là những người biết phát triển.

Chúng ta là người Việt, chúng ta yêu không gian Việt là đúng rồi. Nhưng người ngoài đến đây họ cũng thích không gian Việt. Nhìn các khu resort cao cấp từ Bắc chí Nam đều mang dáng dấp không gian Việt. Việt từ đường nét kiến trúc đến vật liệu, cách tạo dựng không gian. Cũng dễ hiểu là bởi người ngoài bỏ tiền đến đây là để trải nghiệm, “nhâm nhi”, hưởng thụ cái khác biệt ấy. Cái mà người ta không có. Đấy là sự nương tựa vào truyền thống để phát triển. Tôi nghĩ nếu phát triển như thế sẽ bền vững lắm. Đừng sợ nó mất đi. Bởi giữ gìn truyền thống cũng là một nhu cầu tự thân của con người.

NGUYÊN LÊ