TS. Phan Thanh Hải. Ảnh: Lê Thọ

 

Liên quan đến một số quy định về trình tự, thủ tục thẩm định dự án tu bổ di tích chồng chéo, TS. Phan Thanh Hải cho biết, hiện những quy định đó vẫn chưa thay đổi. Tất cả các địa phương có di tích cấp quốc gia đặc biệt trong cả nước đều đang rất khó khăn, do ảnh hưởng từ những quy định của Luật Đầu tư công, Luật Môi trường và Luật Xây dựng có hiệu lực từ năm 2015. Huế và các địa phương đã kiến nghị lên Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH, TT & DL) và các bộ khác, kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ và Quốc hội để có sự điều chỉnh cho phù hợp nhưng cơ bản vẫn chưa được giải quyết.

Ông có thể phân tích rõ hơn?

TS. Phan Thanh Hải: Nghị định 59/2015/NĐ-CP quy định tất cả các dự án nằm trong di tích cấp quốc gia đặc biệt đều thuộc dự án nhóm A, phải trình lên Thủ tướng phê duyệt. Dự án nhóm A có tổng mức đầu tư khoảng 800 tỷ trở lên. Trong khi nhiều dự án trùng tu di tích có quy mô nhỏ, có khi chỉ khoảng 1 - 2 tỷ đồng nhưng cũng phải chạy toàn bộ quy trình của dự án nhóm A. Quy định này cũng đòi hỏi một dự án phải thông qua nhiều bộ, như: Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ, Bộ Xây dựng, Bộ VH, TT & DL, Bộ Tài nguyên và Môi trường. Thêm nhiều quy định mới ràng buộc, trong khi các dự án trùng tu di tích, phần nhiều đều là những dự án góp phần tôn tạo không gian di tích thêm đẹp, thêm sạch… Đây là những thủ tục không phù hợp và gây cản trở rất lớn trong việc vận hành các dự án trùng tu di tích.

Một bức bình phong ở lăng vua Tự Đức sau khi được phục hồi

Nhưng nếu quy trình lập dự án đơn giản thì sẽ dễ gây sự tùy tiện trong công tác trùng tu, bảo tồn di tích.

TS. Phan Thanh Hải: Phải phân biệt sự khác nhau của những thủ tục rườm rà, không hợp lý và sự chặt chẽ của một quy trình. Xét về việc thẩm định các dự án trùng tu di tích, chỉ cần hai bộ là đủ, gồm Bộ VH, TT & DL và Bộ Xây dựng. Bộ VH, TT & DL có Cục Di sản văn hóa thẩm định và quản lý trực tiếp tất cả dự án trùng tu di tích, trước khi trình Bộ VH, TT & DL xem xét những vấn đề liên quan đến di sản.

Những vấn đề về kỹ thuật xây dựng thì có Bộ Xây dựng. Từ năm 2015 trở về trước, quy trình thủ tục cho một dự án trùng tu di tích như vậy là phù hợp. Thậm chí, đối với những dự án có quy mô nhỏ, Bộ Xây dựng hoàn toàn có thể ủy quyền về Sở Xây dựng tại địa phương thẩm định.

Thực tế vẫn có một số nơi trùng tu di tích vi phạm các quy định của Nhà nước là do họ làm ẩu, làm sai và sự quản lý của địa phương cũng chưa chặt chẽ. Sự tùy tiện ấy hoàn toàn không liên quan đến các quy trình thủ tục, mà do việc tổ chức giám sát và quy trình giám sát khi triển khai dự án.

Huế được xem là vùng đất của di sản nên làm gì cũng phải thận trọng, tránh đụng chạm đến di tích. Những dự án do trung tâm thực hiện được triển khai như thế nào?

TS. Phan Thanh Hải: Huế là thành phố của di sản nên việc đi đâu cũng "đụng" di tích là bình thường. Đầu tiên là phải có quy hoạch chiến lược. Huế làm việc này từ năm 1996 với quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di tích Cố đô Huế. Năm 2010, dự án được điều chỉnh và phê duyệt chuyển tiếp từ năm 2010 đến năm 2020. Tất cả các dự án bảo tồn di sản của Huế đều được triển khai theo quy hoạch này. Kế hoạch trung hạn từ năm 2016 - 2020, Huế có 27 dự án với nhiều quy mô khác nhau.

Đối với Huế, đối với những dự án do trung tâm thực hiện làm đúng bài bản, đúng quy hoạch và không tùy tiện làm đột xuất dự án nào ngoài quy hoạch; trừ trường hợp, lãnh đạo tỉnh hay Trung ương trực tiếp chỉ đạo phải tiến hành dự án cụ thể nào đó, thì đơn vị chủ quản phải làm lại quy trình và bổ sung vào danh mục kế hoạch trung hạn, được phê duyệt rồi mới được triển khai.

Vẫn có ý kiến phản ánh một số hoạt động trùng tu ở di tích Huế không tôn trọng nguyên gốc và bài bản khoa học. Ông nghĩ thế nào về điều này?

TS. Phan Thanh Hải: Với công tác bảo tồn, trùng tu di sản văn hóa Huế, ý kiến của UNESCO, Hội đồng Di sản quốc gia và của Bộ VH, TT & DL là những đánh giá tin cậy. Tháng 9 vừa qua, chuyến khảo sát về bảo tồn và phát huy giá trị các di sản tại Huế, GS. TSKH Lưu Trần Tiêu, Chủ tịch Hội đồng Di sản quốc gia khẳng định công việc trùng tu, bảo tồn của Huế làm rất bài bản, khoa học và nhấn mạnh, Huế vẫn là địa phương hàng đầu của Việt Nam trong lĩnh vực này.

Gần đây, một trang báo mạng cho rằng việc trùng tu ở lăng vua Đồng Khánh không giữ đúng nguyên bản, đồng thời đề cập đến việc Huế phớt lờ những cảnh báo của UNESCO. Chúng tôi đã thông tin trao đổi sự việc một cách đầy đủ. Bài viết ấy trích dẫn những cảnh báo của UNESCO đối với Huế cách đây hơn 10 năm và nay Huế đã khắc phục được. Từ năm 2013, UNESCO đã rút Huế ra khỏi danh sách những khu di sản bị khuyến nghị, đồng thời đánh giá cao công tác trùng tu di tích của địa phương. Chúng tôi luôn cầu thị và tiếp thu những ý kiến quan tâm đến công tác bảo tồn, trùng tu di sản Huế.

Hoạt động dịch vụ du lịch và xã hội hóa cũng là một trong những nội dung được đoàn công tác trao đổi. Cụ thể như thế nào, thưa ông?

TS. Phan Thanh Hải: Đây là ý kiến được Thứ trưởng Bộ VH, TT & DL Đặng Thị Bích Liên và Hội đồng Di sản quốc gia trao đổi trong buổi làm việc với UBND tỉnh. Đoàn đánh giá rất cao những kết quả Thừa Thiên Huế làm được trong lĩnh vực bảo tồn di sản, đồng thời lưu ý Huế cần thận trọng trong việc xã hội hóa hoạt động bảo tồn di sản. Trong đó, lưu ý việc xã hội hóa nên làm từng bước, có thử nghiệm; tích cực tranh thủ ý kiến của cộng đồng, dư luận và các nhà khoa học. Việc xã hội hóa nên hướng trọng tâm vào hoạt động dịch vụ, khai thác. Riêng đối với việc trùng tu di tích, những lĩnh vực chuyên môn sâu phải hết sức cân nhắc, thận trọng và nên để các đơn vị chuyên môn, đơn vị sự nghiệp Nhà nước quản lý và tiến hành.

Cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

Đồng Văn