Hình tròn giả định trên hoạ tiết trang trí ở vạc đồng dưới thời Hiền Vương Nguyễn Phúc Tần (1648 – 1687)
Được xem là bệ đỡ cho sự phát triển của nghệ thuật trang trí trên đồ đồng thời Nguyễn sau này, đồ đồng thời các chúa Nguyễn mang đậm những yếu tố đặc trưng, phản ánh bối cảnh văn hóa và quan điểm thẩm mỹ của xứ Đàng Trong. Tuy nhiên, đồ đồng thời các chúa Nguyễn là một “khoảng trống” còn bỏ ngỏ, nhất là dưới góc độ tạo hình ít nhiều vẫn chưa được chú trọng đi sâu phân tích và kiến giải.
Một đặc trưng có thể nhận diện là các dạng thức trang trí trên đồ đồng thời kỳ này thường bố trí theo ô hộc và chạy theo hình dải. Điều này được thể hiện rõ nhất qua các di vật, như: Đại hồng chung (chùa Thiên Mụ), hệ thống 11 chiếc vạc đồng thời các chúa Nguyễn hiện đang lưu giữ tại các địa điểm di tích thuộc TP. Huế. Điểm nhấn đáng chú ý ở đây là các chi tiết trang trí trong các ô hộc này thường theo bố cục hình tròn hoặc chuyển động theo dạng hình tròn.
Với quan niệm của phương Đông, hình tròn thường đại diện cho sự quy tụ, sự viên mãn và đủ đầy, là cái bất biến của không gian và thời gian, bởi nó không có điểm bắt đầu và cũng không có điểm kết thúc. Trong quan niệm của Phật giáo, nó được hiển thị thông qua hình ảnh của bánh xe luân hồi thể hiện sự chuyển động của tạo hóa, trong Phật giáo Thiền tông, các vòng tròn đồng tâm biểu hiện cho các giai đoạn của sự hoàn thiện từ bên trong, sự tự phát triển của tinh thần. Hình tròn đối với Hồi giáo được xem là hình toàn vẹn nhất, với người da đỏ ở Bắc Mỹ, hình tròn là sự thể hiện của thời gian… Như vậy, ở cả phương Đông và phương Tây, hình tròn đều mang một ý nghĩa quan trọng không chỉ về quan niệm mà còn thể hiện thông qua các biểu tượng trong trang trí và kiến trúc.
Các họa tiết trang trí theo bố cục hình tròn trên các di vật đồ đồng thời chúa Nguyễn ít nhiều gắn liền với quan niệm về tín ngưỡng và thẩm mỹ nhất định, tạo nên nét riêng trong phong cách tạo hình của thời kỳ này. Đây cũng có thể được xem là một điểm đáng chú ý dưới góc độ nghệ thuật tạo hình. Thông qua các phương pháp khảo sát và phân tích thực tế trên các các di vật, đồng thời sử dụng phần mềm đồ họa để xử lý, chúng ta thấy một điều thú vị là khi vẽ một hình tròn giả định, các họa tiết ấy thường nằm ở bên trong chu vi của hình tròn. Các họa tiết này thường lấy hình tròn làm tâm, các chi tiết phụ thường xoay hoặc chuyển động xung quanh tâm tạo ra sự vận động.
Về mặt tạo hình, các yếu tố này tạo ra tính chuyển động về thị giác làm cho chi tiết trang trí mang tính động. Đây là một sự ngẫu nhiên hay cố ý? Để lý giải, chúng ta cần căn cứ đặc điểm tạo hình thời kỳ này thông qua bối cảnh lịch sử, văn hóa, đặc điểm của phường thợ… Ngoài ra, cũng cần lưu ý đến yếu tố giao lưu và tiếp biến văn hoá, tín ngưỡng bởi đây chính là những nhân tố ảnh hưởng đến phong cách tạo hình cho mỗi giai đoạn trong lịch sử.
Các thể thức trang trí hình tròn này liệu có liên quan gì tới bối cảnh lịch sử của Đàng Trong thời kỳ bấy giờ, khi mà đạo Phật được các chúa Nguyễn xem là quốc giáo . Bên cạnh đó, các motip hình tròn và xoắn ốc cũng là một trong những hoa văn có thể tìm thấy trên các di vật đồ đồng Đông Sơn… Vậy, liệu chúng có một mối liên hệ hay liên quan nào đó?
Dù do yếu tố nào chi phối thì hoa văn trang trí theo thể thức hình tròn trên các di vật đồ đồng thời chúa Nguyễn cũng có nét tạo hình riêng, tạo ra tính đặc thù trong phong cách thời kỳ này. Điều đó góp phần làm sáng tỏ hơn các giá trị văn hóa nghệ thuật truyền thống dân tộc, trong đó có sự đóng góp của mỹ thuật thời các chúa Nguyễn.
Bài, ảnh: Phan Lê Chung