Dạy nghề và giải quyết việc làm cho lao động ở các huyện miền núi vẫn đang gặp nhiều khó khăn

Cơ sở dạy nghề có, trang thiết bị có, giáo viên về tận nhà tuyên truyền, vận động, mở lớp dạy nghề lưu động tại địa phương nhưng số học viên chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Họ muốn làm công việc thời vụ, có tiền ngay. Đồng bào dân tộc chủ yếu là học nghề may nhưng họ tiếp thu kiến thức, kỹ năng chậm nên  không theo kịp chương trình. Thế nên, dù biết đi học nghề được Nhà nước hỗ trợ 100% chi phí học tập họ vẫn không mặn mà.

Trung tâm Dạy nghề huyện Nam Đông được đầu tư xây dựng khá khang trang nhưng hoạt động không hiệu quả dẫn đến thiết bị đào tạo dần xuống cấp, lãng phí. Ông Nguyễn Xuân Thủy, Giám đốc Trung tâm Đào tạo nghề huyện Nam Đông, cho biết: “Trước đây, có một công ty may công nghiệp hoạt động trên địa bàn nên hơn 100 lao động học nghề để làm tại địa phương. Do vận chuyển hàng đường xa, kinh doanh không lãi, công ty đã chuyển về vùng đồng bằng nên dạy nghề cũng rơi vào cảnh chợ chiều”.

Thiếu tác phong công nghiệp nên việc thực hiện nội quy, quy chế của công ty, đơn vị luôn là áp lực lớn. Thế nên, lao động ở miền núi thường xuyên thay đổi việc làm và nơi làm việc, thu nhập không ổn định. Chị Hồ Thị Nhung ở A Ngo (A Lưới) được giới thiệu vào làm việc tại công ty may ở TX. Hương Thủy. Làm được 1 tuần, nhớ nhà, nhớ con, Nhung bỏ việc lên lại A Lưới. Nhung ngập ngừng kể: “Tôi muốn về Huế làm việc để kiếm tiền, tích cóp sửa lại ngôi nhà. Nhưng làm được một tuần thì quá mệt mỏi khi liên tục làm hỏng sản phẩm. Chủ doanh nghiệp nói rất nhiều nhưng tôi không nghe kịp. Ngồi cả ngày ở xưởng may vừa mệt vừa nhớ nhà, giờ giấc lại nghiêm khắc nên tôi xin nghỉ”. Nhung và 10 người khác cùng ở huyện A Lưới nghỉ việc giữa chừng khi không chịu nổi áp lực công việc.

Ông Hồ Nam Đông, Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện A Lưới, cho rằng, doanh nghiệp trong và ngoài nước lên A Lưới tuyển lao động với số lượng lớn nhưng họ không đi. Có một số người đi thì được chừng vài tháng lại quay về vì không đáp ứng được yêu cầu công việc. Học nghề với đồng bào dân tộc thiểu số đã khó, nhưng để họ sống bằng nghề  càng khó khăn gấp bội. Chỉ có những nghề nông lâm nghiệp là người dân có thể ứng dụng lâu dài. Ông Nguyễn Văn Thoản, Trưởng phòng Dạy nghề thuộc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho hay: “Năm 2017, nguồn vốn phân bổ cho đào tạo nghề ở hai huyện miền núi Nam Đông, A Lưới là 150 triệu đồng/huyện. Các huyện sẽ đào tạo nghề về nông nghiệp, lâm nghiệp giải quyết việc làm tại chỗ cho người dân”.

 Cần phải thấy rõ một thực tế là đào tạo nghề cho bà con dân tộc phải theo đặc thù, truyền thống của các dân tộc... và cần có chương trình đào tạo nghề riêng. Các ngành liên quan cần xây dựng chính sách thu hút và khuyến khích các doanh nghiệp nên tổ chức sản xuất, phối hợp với đồng bào  sử dụng nguồn lực của địa phương, tạo công ăn việc làm cho lao động. Khi kết thúc khóa học, lao động nhận được sự hỗ trợ về kỹ thuật, kinh phí trong sản xuất cũng như tìm được đầu ra cho sản phẩm.

Dạy nghề và giải quyết việc làm cho lao động ở các huyện miền núi vẫn đang gặp nhiều khó khăn và chưa thực sự hiệu quả. Nhu cầu học nghề, chuyển đổi nghề nghiệp của nông dân miền núi, vùng dân tộc thiểu số cũng không cao, ý thức tham gia còn hạn chế, nhưng không có nghĩa là không có nhu cầu. Vấn đề là làm thế nào để tuyên truyền cho người lao động hiểu được lợi ích của việc học nghề và việc đào tạo phải gắn kết chặt chẽ với giải quyết việc làm, gắn kết giữa đào tạo với doanh nghiệp và xã hội; đào tạo theo nhu cầu, theo địa chỉ rõ ràng.

Bài, ảnh: Huế Thu