Từ nguồn “Quỹ vì người nghèo” và Chương trình an sinh xã hội, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp từ tỉnh đến cơ sở đã hỗ trợ gần 136 tỷ đồng cho hộ nghèo ở 2 huyện Nam Đông và A Lưới... Các cơ quan, đơn vị được phân công giúp đỡ các xã nghèo đã phối hợp với chính quyền địa phương trong việc lựa chọn giải pháp hỗ trợ thiết thực, cải thiện tích cực các tiêu chí thiếu hụt theo chuẩn nghèo đa chiều. Các hộ nghèo được cầm tay, chỉ việc để lao động, sản xuất kinh doanh, tạo nguồn thu nhập.
Mô hình trồng rau sạch ở A Lưới
Do số lượng hộ nghèo ở các xã là khá lớn nhưng phương pháp trợ giúp gần như cho không là chủ yếu nên chưa tạo được “cú hích” để hộ nghèo có ý thức vươn lên. Một số xã được trợ giúp còn thụ động, chậm xây dựng và ban hành các văn bản triển khai cũng như đề ra giải pháp giúp đỡ hộ nghèo. Người nghèo có tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước, thiếu động lực phấn đấu để thay đổi phương thức làm ăn. Đồng bào tiếp thu chậm, kỹ năng thao tác đạt mức độ thấp nên họ ngại tham gia các lớp học nghề.
Kết luận tại buổi họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Khắc Đính, nhấn mạnh, kết quả bước đầu thực hiện Kế hoạch 16 của UBND tỉnh đã tạo bước chuyển biến trong nhận thức của hộ nghèo và các cấp chính quyền ở cơ sở. Tuy nhiên, thời gian tới, các hoạt động trợ giúp cần hướng đến tính bền vững như trợ giúp cần có cam kết, điều kiện kèm theo và hướng dẫn hộ nghèo tiếp cận các nguồn vốn, kỹ thuật sản xuất kinh doanh, đồng thời phối hợp để tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm cho hộ nghèo.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu, các cơ quan, đơn vị trợ giúp và địa phương cần quan tâm công tác tuyên truyền, vận động làm thay đổi nhận thức của người nghèo trong chi tiêu tiết kiệm và biết tích lũy để đầu tư vào sản xuất, kinh doanh vươn lên thoát nghèo. Trong đó, cần tập trung vào đối tượng là con em hộ nghèo, cận nghèo trong nhận thức nghề nghiệp, học nghề, tìm kiếm việc làm và thay đổi phương thức sản xuất...
Tin, ảnh: Huế Thu