Mai Trần Quỳnh Thư có sở thích tìm đọc các tài liệu, tạp chí chuyên ngành Thiết kế đồ họa

Có chung sở thích cầm bút vẽ, Mỹ Nhung (TP. Huế) và Quỳnh Thư (TP. Đà Nẵng) đều đăng ký thi tuyển vào ngành Thiết kế đồ họa, Trường ĐHNT Huế. Mỹ Nhung tâm sự: “Từ những năm trung học cơ sở, em thường xem các clip vẽ trên mạng, niềm hứng thú với môn mỹ thuật đến với em từ đây. Ngoài giờ học, vẽ tranh là một thú vui khác, dần dần thành thói quen. Em thường vẽ người, vẽ bút chì, vẽ màu nước”.

Với Quỳnh Thư, năng khiếu vẽ tranh bộc lộ từ bé. Nhận được nhiều lời khen ngợi của ba, Thư càng hứng thú, dành nhiều thời gian để vẽ. Năm lớp 9, Thư đạt giải nhất cuộc thi vẽ Biển đảo quê hương do TP. Đà Nẵng tổ chức, giải thưởng đó tiếp thêm động lực khiến Thư càng say mê những cây cọ và màu vẽ. “Với em, vẽ vừa dễ lại vừa khó. Dễ vì đó là niềm yêu thích, chỉ cần cầm bút lên em sẽ “múa bút” được. Khó vì để đạt đến mức thẩm mỹ trong một bức tranh cần nhiều yếu tố”, Thư nói.

Cả Nhung và Thư đều đồng quan điểm muốn thi vào khối mỹ thuật, thí sinh cần sớm xác định thời điểm, kế hoạch học vẽ và quan trọng nhất là cần chăm chỉ, cầu tiến. Nhung cho rằng, tố chất là điều kiện cần và cố gắng, có niềm đam mê, đặt mục tiêu quyết tâm theo đuổi là điều kiện đủ với sinh viên khối mỹ thuật. Theo cô, cần lựa chọn được lĩnh vực, lớp vẽ phù hợp với phong cách, năng lực bản thân. Thư lại nhận định, vẽ cũng cần có kiến thức, tư duy sáng tạo, nhanh nhạy trong dựng hình và phân chia tỉ lệ trong toán học. Người vẽ còn cần trau dồi những kiến thức văn hóa, sự hiểu biết của tác giả được thể hiện thông qua mỗi tác phẩm, thổi vào đó hồn cốt, tri thức, hơi thở cuộc sống.

Mỹ Nhung và Quỳnh Thư không chỉ đồng thủ khoa Trường ĐHNT Huế với tổng số điểm (chưa điểm cộng) bằng nhau, hai em còn bằng đều điểm ở ba môn: Ngữ văn: 6,75 điểm; Vẽ 1: 9 điểm; Vẽ 2: 8 điểm. Ông Đỗ Xuân Phú, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nghệ thuật Huế nhận xét: “Ở bài thi hình họa và trang trí, muốn đạt điểm cao đòi hỏi phải đạt đến độ trong trẻo. Chẳng hạn, vẽ hình họa cần phải hoàn thiện trong việc phối hợp không gian, giải quyết tinh tế các lớp của người mẫu vẽ trên bài thi. Ở bài trang trí, độ đậm nhạt của màu sắc, khả năng hòa màu được đánh giá cao. Hai em Mỹ Nhung và Quỳnh Thư thể hiện năng khiếu mỹ thuật và cách xử lý tinh tế, thẩm mỹ trên bài thi”.

Đặng Thị Mỹ Nhung thường dành nhiều thời gian để vẽ tranh

Thiết kế đồ họa là lĩnh vực nghệ thuật ứng dụng kết hợp giữa ý tưởng sáng tạo và khả năng cảm nhận thẩm mỹ. Với Mỹ Nhung, em chọn thi ngành này vì mong muốn được trở thành nhà thiết kế đồ họa, có thể biến những ý tưởng thú vị trong đầu thành sản phẩm với hình ảnh và màu sắc sinh động. Nhung tâm niệm, muốn làm điều gì phải không ngừng cố gắng để đạt được, mọi nỗ lực sẽ đem lại thành quả xứng đáng. Ngoài thời gian học và vẽ tranh, cô bé Mỹ Nhung hiền lành, hướng nội dành thời gian để chơi đàn organ, em gọi đó là “vẽ tranh trên những phím đàn”.

Còn Quỳnh Thư, dự định trong thời gian sắp tới, ngoài việc học trên giảng đường, em sẽ học thêm tiếng Anh, các khóa đồ họa và thực tập để lấy kinh nghiệm trước. Thư cho rằng, kỹ năng sáng tác và thể hiện, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng làm việc độc lập, kỹ năng đàm phán sẽ là hành trang cần thiết với em trong công việc sau này.

Bài, ảnh: Phước Ly