Trong công tác lập lại trật tự lòng đường, vỉa hè thời gian qua ở nhiều địa phương trong cả nước, chuyện hàng rong vẫn “nóng” hơn cả. Nổi cộm có thể kể đến là trường hợp ông Lê Tấn Thịnh, Trưởng Công an xã Quảng Điền, huyện Krông Ana, Đắk Lắk dùng chân tay đá, hất đổ thau đựng cá, trái cây, đập phá dụng cụ bán hàng của người dân, được đăng tải trên facebook hồi đầu tháng 10, khiến nhiều người bất bình, phẫn nộ. Và, đây không phải là trường hợp xung đột hy hữu giữa người thực thi công vụ với hoạt động mưu sinh hàng rong đang diễn ra thường xuyên, với nhiều mức độ khác nhau; rất dễ bắt gặp mỗi lần lực lượng tiếp cận, giằng co từng mớ cá, gánh rau với người buôn bán.

Điều đáng nói, khi lực lượng đi rồi thì mọi việc đâu lại vào đó. Nguyên nhân do chúng ta mới giải quyết phần ngọn, chưa giải quyết đến phần gốc, nên việc lấn chiếm lòng đường, vỉa hè để bán hàng rong vẫn cứ tồn tại. Hầu hết hàng rong là người nghèo, buôn bán nhỏ hoặc tự đánh bắt, thu hoạch đem bán. Không có lô ở các chợ, họ phải bám vào lòng đường, vỉa hè để mưu sinh. Nói như ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.Hồ Chí Minh “đằng sau mỗi gánh hàng rong là cuộc sống của cả một gia đình”…

Vấn đề ở đây là làm sao giải quyết việc hàng rong lấn chiếm lòng đường vỉa hè một cách hợp tình, hợp lý, tránh xung đột mà hiệu quả. Việc quy hoạch khu chợ tạm cho các hộ buôn bán hàng rong là một trong những giải pháp. Tuy nhiên, nhiều người vẫn cho rằng, phương thức buôn bán hàng rong là bán cho người qua đường; người buôn bán lại cư trú khắp mọi nơi, nếu dồn về một địa điểm thì liệu có thu hút người bán, người mua? Nên chăng, cần quy hoạch nhiều khu vực, sắp xếp buôn bán hàng rong hợp lý là hơn cả.

Thực tế cho thấy, khu vực mà người nghèo thường tụ tập bán hàng rong là quanh các chợ. Tại đây, có thể tạm thời bố trí tại chỗ một số vị trí phù hợp cho những gánh hàng rong nhưng không làm ảnh hưởng lớn đến lưu thông. Chẳng hạn như đường Đạm Phương ở chợ Tây Lộc, nơi tụ tập nhiều người bán hàng rong thì sắp xếp buôn bán gọn gàng phía hai bên đường; cấm ô tô lưu thông vào buổi sáng, bởi chạy song song gần với đường Đạm Phương còn có đường Trần Quốc Toản và đường Nguyễn Trãi. Tương tự, đoạn đường Phan Đình Phùng qua chợ Bến Ngự… cũng vậy. Về lâu dài, chính quyền cần có sự phối hợp, điều tra, hỗ trợ vốn, bố trí các lô thích hợp trong các chợ hoặc vận động, chuyển đổi nghề cho người bán hàng rong, nhằm giải quyết dứt điểm tình trạng bán hàng rong như hiện nay; góp phần đảm bảo trật tự đô thị.

Đặng Thành