FLC Thanh Hóa đang vững vàng ở top 3 V.League 2017. Ảnh: Internet

Năm 1995, khi Thừa Thiên Huế với Quang Sang, Anh Tuấn, Đức Dũng… là á quân của Giải bóng đá các đội mạnh toàn quốc thì Quảng Nam chưa có tên trên bản đồ bóng đá quốc gia. Ngay cả Thanh Hóa cũng vậy. Mãi đến năm 2010, nghĩa là đúng 10 năm sau khi V. League ra đời, thay cho Giải Bóng đá hạng Nhất quốc gia mới thấy xuất hiện cái tên Thanh Hóa. Còn QNK Quảng Nam, thì phải cộng thêm 4 năm nữa, vào năm 2014. Bóng đá Thừa Thiên Huế xuất hiện trong 2 năm đầu của V.League, sau đó trở lại vào năm 2007, rồi “bặt tăm” cho đến chừ.

Như một sự thay thế bóng đá Thừa Thiên Huế và một số tượng đài, bóng đá Thanh Hóa ngay từ khi góp mặt đã ngay lập tức đã khẳng định vị trí vững chắc của mình khi liên tục không chỉ trụ hạng thành công mà chỉ trong 4 năm qua, đã có 2 lần xuất hiện ở top 3. Sinh sau đẻ muộn, mới chỉ năm thứ 4 ở V. League nhưng QNK Quảng Nam cho thấy họ là ngựa ô thực sự của giải khi sau lần xếp ở vị trí thứ 8, mùa giải qua đã vững vàng nơi top 5, và bây giờ đang có giấc mơ vàng.

Trong số 4 đội bóng dẫn đầu Giải bóng đá hạng Nhất quốc gia 2015 (CLB Huế xếp thứ 2), đã có 3 đội bóng sau đó thăng hạng lên thi đấu ở V. League là CLB Hà Nội (sau đổi thành CLB Sài Gòn), thành phố Hồ Chí Minh và Nam Định. Trong mùa giải hạng Nhất vừa qua, dù sau khi kết thúc lượt đi với vị trí dẫn đầu, các fan hâm mộ bóng đá Cố đô vẫn không tin CLB bóng đá Huế có được tấm vé thăng hạng bởi đã thấy được đằng sau vinh quang là bao nỗi lo chồng chất khó vượt. Kết quả là cầu thủ tài năng Võ Lý và các đồng đội về nhì, bóng đá Huế tiếp tục lỡ hẹn với chuyến tàu mang tên V. League và chưa biết đến bao giờ...

Một thời bóng đá Thừa Thiên Huế là tượng đài, nằm ở nhóm top 5 hay top 3 của vùng miền Trung và Tây Nguyên giàu tiềm năng. Con tàu cao tốc V. League nhiều năm qua đã thấy xuất hiện ngày càng đông vui các anh hào đến từ miền Trung và Tây Nguyên, từ Thanh Hóa và Nghệ An, vô Đà Nẵng, Quảng Nam, ngược lên Gia Lai, rồi vào đến Khánh Hòa. Thế nhưng, hơn 10 năm rồi, bóng đá Huế vắng bóng ở sân chơi cao nhất, đành an phận với “nỗi buồn tỉnh lẻ”.

Lại nghĩ, cũng như Thừa Thiên Huế, Quảng Nam và cả Thanh Hóa, dù có diện tích đứng hàng thứ 5 và đông dân thứ 3 (sau Sài Gòn và Hà Nội), cũng được xem là phận tỉnh lẻ và đầu tư cho bóng đá là chuyện khó khăn. Đằng sau tạm gọi là thành công của bóng đá các vùng đất kể trên có bóng dáng của các doanh nghiệp và của các “mạnh thường quân” nhưng rõ ràng điều đáng ghi nhận ở đây là sự nỗ lực của chính các địa phương. Họ đã biết vượt khó, vượt qua nhiều áp lực lớn, đặc biệt là với Quảng Nam, vốn không giàu truyền thống bóng đá và bị che khuất khi ở bên cạnh Đà Nẵng.

Làm bóng đá phải biết cách vượt khó và hơn thế, có được sự khát khao chiến thắng. Bóng đá Huế không thiếu tài năng nhưng trông người lại nghĩ về ta, chợt như thấy mình còn thiếu cả hai điều kể trên.

ĐAN DUY