Đó thực sự là trăn trở lớn trong công tác quảng bá du lịch.
Quanh quanh chợ huyện
Chia sẻ điều này, lãnh đạo một công ty du lịch tại Anh, bà Sandra RC Noel-người đã nhiều lần đến Huế cho rằng, muốn thu hút nhiều hơn du khách đến Huế, phải tham gia bằng được các hội chợ du lịch lớn tại Anh và Đức. Tuy nhiên, đây là những hội chợ mà có lẽ đến nay, du lịch Huế chỉ có thể nhìn thấy... trong mơ. Bởi ngay tầm quốc gia, ngoài Tổng cục Du lịch và Việt Nam Airline ra, số doanh nghiệp trong nước tham gia các hội chợ này chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Quảng bá bánh Pizza khổng lồ tại Nhà hàng Ý (Huế)
|
Với kinh phí đầu tư cho quảng bá còn eo hẹp, nhìn chung, du lịch Huế lâu nay chỉ tham gia được thường xuyên các hội chợ du lịch trong nước và thi thoảng tham gia một vài hội chợ thuộc các nước trong khu vực như Thái Lan, Lào. Một cơ hội hiếm hoi là cách đây hai năm, lần đầu tiên, tỉnh đã mạnh dạn “mở hầu bao” đưa du lịch Huế tham gia hội chợ quốc tế tại Jacata (Nhật Bản).
Ngoài các hội chợ du lịch thường niên trong nước, một hai năm lại đây, du lịch Huế đã nỗ lực tổ chức các kỳ họp báo giới thiệu du lịch, tiềm năng kinh tế Huế, lồng ghép các sự kiện Festival, Năm Du lịch Quốc gia... tại Hà Nội, T.P Hồ Chí Minh và một số tỉnh. Tuy nhiên, xét về mức độ lan tỏa, các chuyên gia du lịch đánh giá, với hình thức quảng bá như hiện nay, du lịch Huế mới chỉ loanh quanh chợ huyện. Trong khi đó, việc tiếp cận và thu hút du khách trong du lịch được cho là phải đầu tư theo kiểu “đánh bắt xa bờ”.
Ăn theo các “ông lớn”
Cách đây vài năm, trao đổi với Giám đốc Làng Hành Hương, ông Lê Văn Trường thẳng thắn: Nhiều lần được mời tham gia hội chợ du lịch trong nước nhưng đơn vị này đều từ chối. “Thẳng quá thì mất lòng nhưng tôi khẳng định là quảng bá tại các hội chợ du lịch trong nước rất ít hiệu qủa, nếu muốn thu hút khách nước ngoài” - Ông Trường chia sẻ.
Thay vào đó, những khu du lịch lớn như Làng Hành Hương đã bỏ tiền bạc, công sức đến với các hội chợ du lịch quốc tế tại Anh, Mỹ... “Tại các hội chợ này, hầu như Việt Nam chỉ có Việt Nam Airline và một ít doanh nghiệp tham gia. Thực sự là các đối tác rất ngạc nhiên, lạ lẫm khi nghe đến cái tên Thừa Thiên Huế” - Ông Trường cho biết. Và kinh phí cho mỗi chuyến đi chợ xa này, doanh nghiệp đã đầu tư tiền tỷ.
Ngoài Làng Hành Hương, mới đây, Công ty TNHH Đông Á đã khai trương khu du lịch 5 sao Vedana Lagoon tại huyện Phú Lộc với kinh phí đầu tư hàng trăm tỷ đồng. Một điều lạ là dự án qui mô như vậy nhưng không hề có cuộc họp báo ra mắt nào trong tỉnh. Hỏi chuyện mới biết, với cái tầm của khu du lịch, doanh nghiệp đã tổ chức họp báo tại Nhật, Singapore.... “Dĩ nhiên, khi chúng tôi quảng bá như thế thì cái tên Việt Nam và Huế cũng được hưởng lợi” - Lãnh đạo khu lịch Vedana Lagoon khẳng định.
Với tiềm lực địa phương còn khó khăn, năng lực doanh nghiệp trong tỉnh nhỏ, lẻ. Có lẽ không quá lời khi cho rằng, việc quáng bá rộng hơn cho du lịch Huế ít nhiều đang trông đợi vào các “ông lớn”.
Một trong những “ông lớn” này là dự án Laguna Lăng Cô. Mới đây, nhân khai trương khu du lịch này, nhà đầu tư đã tổ chức ngay một giải thể thao quốc tế rầm rộ dành cho 3 môn phối hợp, thu hút nhiều ngôi sao thể thao Quốc tế hàng đầu. Dĩ nhiên, những hoạt động này đòi hỏi nguồn kinh phí “khủng” cũng như cái tầm của nhà tổ chức mà qua đó, điểm đến Huế cũng được lan tỏa.
Tận dụng kênh... truyền miệng
Về công tác quảng bá cho du lịch ở Huế lâu nay, một cán bộ hoạt động trong lĩnh vực này bày tỏ: Cái khó nhất là “lực bất tòng tâm”, đặc biệt là nhân lực và kinh phí.
Với định mức phân bố cho công tác quảng bá du lịch hàng năm chỉ trên dưới vài ba trăm triệu đồng, nguồn kinh phí này chỉ đủ để tổ chức vài cuộc họp báo sự kiện, vài hoạt động bề nổi trong tỉnh; Mời một vài đoàn Fam Trip... Riêng kinh phí tham gia các hội chợ, chủ yếu là kêu gọi doanh nghiệp “góp gạo”. Ngay cả một Website dành riêng cho du lịch tại Trung tâm Xúc tiến Du lịch Huế, sau nhiều năm lập đề án, đến nay vẫn chưa có.
Trong khi đó, với tiềm lực kinh tế có hạn, nhiều doanh nghiệp du lịch Huế đã chọn giải pháp khai thác tối đa quảng bá qua mạng. Và một kênh khác, tuy vô hình
nhưng lại hết sức hiệu qủa. Đó là kênh “rỉ tai, truyền miệng”. “Nếu có sản phẩm tốt. Thái độ phục vụ thân thiện và chuyên nghiệp. Môi trường du lịch an toàn... thì tiếng lành sẽ đồn xa. Du khách cứ thế sẽ rủ nhau đến Huế” - Ông Lê Xuân Phương, Giám đốc Công ty CPDL DMZ chia sẻ về một trong những bí quyết để xây dựng và quảng bá thương hiệu của mình.