Từ trước đến nay, chúng ta cứ loay hoay với CTNHTKT (ống cấp-thoát nước, cáp viễn thông, cáp điện chiếu sáng...) ở hai lòng vỉa hè của đường phố, đào lên lấp xuống để sửa chữa, nâng cấp, thay thế... gây ra bao nhiêu ắc tách cho sinh hoạt cộng đồng, có khi làm đảo lộn cuộc sống của một bộ phận cư dân đô thị trong một thời gian dài. Hơn nữa, sự phối hợp giữa việc quản lý CTNHTKT và quản lý CXĐT vẫn chưa được nhịp nhàng.
Cây xanh ra đi, nhường đất cho cống thoát nước (đường Đặng Dung, Huế)
|
Dựa vào chức năng quyền hạn do Chính phủ quy định, ngày 20 tháng 12 năm 2005 Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư số 20/2005/TT-BXD hướng dẫn quản lý CXĐT. Sau đó, ngày 30 tháng 6 năm 2009 Thông tư số 20/2009/TT-BXD về sửa đổi, bổ sung Thông tư 20/2005/TT-BXD lại ra đời. Gần đây, ngày 11 tháng 6 năm 2010, Chính phủ đã ban hành Nghị định 64/2010/NĐ-CP về quản lý CXĐT. Qua đó cho thấy, CX là một phạm trù hết sức quan trọng đối với môi trường đô thị và nông thôn.
Tuy thế, làm sao để có được giải pháp trọn vẹn đôi đường cho việc quản lý các CTNHTKT và quản lý CXĐT thì tùy nơi, tùy lúc vẫn còn những vướng mắc, trở ngại khó tháo gỡ. Thực trạng hiện nay là ở một vài nơi, do vỉa hè quá hẹp mà buộc phải bố trí đồng thời cả CX và CTNHTKT khiến không gian dinh dưỡng cho hệ thống rễ cây bị bó hẹp, cây sinh trưởng phát triển kém, mất cân đối, không những không phát huy được giá trị thẫm mỹ cảnh quan và cải thiện môi trường mà còn dễ đổ ngã khi gặp mưa to, gió lớn. Đó là chưa nói đến về lâu dài hệ thống rễ cây xanh gây hư hại các ống ngầm, hộp cống gây sụp lở vỉa hè. Nhìn nhận ở góc độ này, sẽ thấy có hai tình huống xảy ra:
1. Xây dựng CTNHTKT trước trồng CX sau: CX khó sinh trưởng phát triển, èo uột, cong vênh, nghiêng ngả, cảnh quan lỗ chỗ phản cảm. Nhiều trường hợp do không có đủ không gian đào hố, người trồng cây xanh đã cắt xén rễ tối đa để trồng, là nguyên nhân sâu xa góp phần với gió bão xô ngã CX sau này. Có trường hợp sau khi thi công CTNHTKT không còn nền đất để trồng cây, vỉa hè đó phải chịu cảnh trơ trụi không có bóng CX vĩnh viễn.
2. Trồng cây trước, xây dựng CTNHTKT sau: thường gây tổn thương cây do chắn rễ, bó gốc làm cây chết đứng hoặc ngưng sinh trưởng, cây nghiêng dần, dễ đổ ngã. Trong thực tế có nhiều gốc rễ cây cổ thụ đã bị tác động quá mạnh do thi công CTNHTKT, đến mùa mưa bão đã phải ra đi trước sự nuối tiếc của bao người từng gắn bó với nó, đó là chưa kể gây ra tai nạn thảm khốc, tổn thất cả của và sinh mạng cho người đi đường.
Đúng là một bài toán hóc búa, bởi rằng không thể “bên trọng bên khinh”, CX cũng tối cần và CTNHTKT cũng bức thiết. Vậy phải làm sao để được cả đôi đường. Có lẽ thiết kế, thi công CTNHTKT ở dưới lòng đường là giải pháp hợp lý nhất, không những bảo vệ được hệ thống CXĐT mà còn đáp ứng được khả năng thoát nước nhanh (kích cỡ đường thoát đủ lớn), tránh được tình trạng ngập úng vào những ngày mưa lớn; dễ sửa chữa, thay thế các hệ thống dây cáp ngầm. Đây là giải pháp đòi hỏi đầu tư công sức, kinh phí quá lớn so với thiết kế thi công ở vỉa hè, nhưng nó sẽ trở thành công trình thế kỷ mà ở vài thành phố lớn ở nước ta đã làm, chí ít là cho những con đường đã có hai hàng CX cổ thụ.
Tất nhiên không thể cào bằng để triển khai hàng loạt, mà phải “liệu cơm gắp mắm”. Việc chọn lựa từng đường để đề xuất với UBND tỉnh, thành nhằm thiết kế thi công là trách nhiệm của liên ngành giao thông, xây dựng, quản lý đô thị... Ngoài ra, chúng tôi thiết nghĩ UBND tỉnh cũng nên có những quy định cụ thể và hợp lý về ứng xử với CX khi thi công CTNHTKT.