Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại buổi làm việc

Bộ LĐTB&XH là cơ quan được Chính phủ giao quản lý chính sách tiền lương, quản lý Nhà nước về chính sách người có công - là hai nội dung quan trọng trong việc xây dựng Đề án cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và người có công mà Chính phủ sẽ trình Trung ương Đảng vào năm 2018.

Tại buổi làm việc, sau khi nghe báo cáo của Bộ LĐTB&XH và ý kiến của một số cơ quan Đảng, Quốc hội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị Bộ LĐTB&XH xác định rõ phạm vi, thực trạng của tiền lương trong hoạt động sản xuất kinh doanh nói chung.

Theo Phó Thủ tướng, chính sách tiền lương được pháp luật quy định toàn bộ hoạt động kinh tế. Tuy nhiên hiện nay, chính sách tiền lương chỉ được áp dụng tại khu vực kinh tế chính thức (doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh có nộp thuế, đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động), còn lại, chính sách tiền lương chưa được xác định rõ tại phần lớn hoạt động kinh tế ở khu vực phi chính thức. Từ đó, Phó Thủ tướng đặt ra yêu cầu xác định nội dung này như thế nào?

Cùng với đó, Trưởng Ban Chỉ đạo đề nghị Bộ LĐTB&XH làm rõ sự cần thiết, mục tiêu của tiền lương tối thiểu, các căn cứ xác định, điều chỉnh mức lương tối thiểu và đi liền với đó là căn cứ, quy chuẩn để xác định mức sống tối thiểu; đặt ra vấn đề có cần thiết luật hóa hay xây dựng một luật riêng về mức lương tối thiểu? Nghiên cứu việc xác định mức lương tối thiểu theo giờ, theo lĩnh vực (hiện nay mới tính mức lương tối thiểu theo tháng, theo vùng - PV).

Phó Thủ tướng cũng đề nghị làm rõ chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của Hội đồng Chính sách tiền lương quốc gia (hiện đang làm nhiệm vụ tổ chức đàm phán mức lương tối thiểu vùng), trong đó xác định cơ chế, chế tài giám sát việc thực hiện mức lương tối thiểu vùng.

Trưởng Ban chỉ đạo đề nghị Bộ LĐTB&XH làm rõ thực trạng, xây dựng chính sách tiền lương trong các loại hình doanh nghiệp theo hướng thoả thuận về giá cả sức lao động theo cơ chế thị trường.

Theo VPCP