Vấn đề là ở chỗ, tôi vẫn cảm thấy được những cái nhìn trở nên khác đi, những lời thì thào chợt im bặt khi mình ngang qua. Có một điều gì đó đang thay đổi, và tôi cũng không thực sự biết một cách cụ thể người ta đã thả lên tường facebook nhà họ những điều gì về mình.

Không tỏ thái độ và vẫn chú tâm vào công việc là cách mà tôi đã chọn. Điều đó rút cuộc đã làm tôi dễ chịu hơn rất nhiều sau những điều mà người đời gọi là “tai bay…”. Không biết đối phương có cảm thấy mỏi mệt vì sự đơn phương của mình không, song tôi chắc là những ai đó chỉ thấy thuần những gièm pha, chê bai đủ loại trên tường của những người mà họ kết bạn, chắc cũng nản và chán dần. Sẽ không có câu trả lời nào là đủ, hoặc một thái độ nào là đủ cho mọi sự tò mò, hiếu kỳ và phần nào đó, là a dua một cách rất trời ơi về một người mà họ không hay biết, cũng không thấu hiểu vốn khá nhiều trên mạng xã hội. Cũng sẽ không có sự chia sẻ, thông cảm và thấu hiểu nào nếu thay vì trao đổi, thảo luận hoặc nhìn thẳng vào chính bản thân mình, bạn lại chọn một giải pháp tiêu cực. Điều đó, tôi chắc bạn đang tự làm mình xấu đi trong mắt những người khác ngay khi bạn tương tác trên mạng xã hội.

Khó ai mà hả hê được lâu khi làm tổn thương người khác giữa đám đông. Ngay khi điều đó được thực hiện, cũng có nghĩa là bạn đang làm mất đi phần nào đó những giá trị của chính bản thân mình, không chỉ ở chính đám đông đó. Mạng xã hội là một thế giới rộng lớn, đa chiều, nhiều trạng thái và ngữ điệu. Thế nên chắc chắn người ta sẽ biết bạn là ai khi bạn thao tác trong không gian được đăng ký mà tài khoản được mã hóa và nhận diện về chính bạn (và có thể là những chi tiết nhận diện khác ngay cả khi bạn ẩn danh). Tương tác có chọn lọc và chia sẻ có cân nhắc chính là một hành xử văn hóa trong không gian và môi trường này.

Khía cạnh tích cực ở đây là mạng xã hội, với những gì mà nó mang tới và nó có thể, ít ra cũng chuyển tải thông điệp và cơ hội về sự nhìn lại mình và điều chỉnh hành vi trong sự cân nhắc và chọn lọc mà chúng tôi vừa đề cập.

Tôi thích cách mà Huynh Wynn Trần – một bác sĩ người Việt đang làm việc ở Mỹ nói về cách hành xử cần chuyên nghiệp khi muốn bình luận một điều gì đó, ai đó, nhất là với những người là đồng nghiệp, cấp trên của mình khi không hài lòng, không đồng ý về một vấn đề nào đó; tương tự là cách xử lý cũng cần phải chuyên nghiệp khi xử lý vấn đề để nó không trở thành điểm nóng và có tác dụng ngược.

Nhân điều này, tôi cũng nghĩ có nhiều việc cần được rút kinh nghiệm xung quanh bình luận, xử phạt và yêu cầu triệu hồi văn bản xử phạt ấy của Bộ Thông tin và Truyền thông liên quan đến bác sĩ Hoàng Công Truyện (Phó khoa Hồi sức cấp cứu – Trung tâm Y tế huyện Phong Điền). Nhẹ nhõm hơn, nhưng có lẽ những người trong cuộc cũng sẽ không thoải mái gì. Đó cũng là câu chuyện về sự thiếu cân nhắc từ các phía, nhất là khi điều đó trở thành “chính sự” với những ràng buộc chưa thấu đáo bằng văn bản nhà nước.

Cuối cùng, câu chuyện vẫn là đừng làm ai bị tổn thương khi hành xử thiếu chuyên nghiệp.

Nguyễn Anh Dân