Vị thiếu tá quân đội về hưu kể, lúc 8, 9 tuổi nhân một lần được đi Hà Nội, thấy người ta chơi bóng bàn, tự nhiên mê mẩn. Lúc về nhà, không dám xin tiền mua vợt, mua bóng, ông tìm một miếng gỗ nhỏ làm vợt rồi tự chơi. Năm 1963, ông lên đường tòng quân và đem theo sở thích ấy vào quân ngũ. Khi miền Nam mới giải phóng, trong một lần được giao nhiệm vụ đi tuần tra, lúc ngang qua một biệt thự, ông cứ tần ngần. Hỏi ra đồng đội mới biết, ông dừng chân không phải vì ngôi biệt thự lộng lẫy, mà là trong biệt thự có đặt một bàn bóng bàn. Mà khi đó, ao ước mãnh liệt nhất của ông là… leo rào vào chơi một trận cho thỏa niềm đam mê.

Gia đình ông Phúc tại Hội thi gia đình văn hóa thể thao tỉnh lần III - 2013

Giải ngũ về Hải Phòng, việc ông Phúc làm đầu tiên là… đi mua ván ép để đóng bàn, bao nhiêu tiền chắt chiu dành dụm được đem ra mua vợt, mua bóng. Rồi đến khi lấy vợ, cứ tưởng niềm đam mê ấy sẽ bị gián đoạn nhưng người bạn đời của ông lại vô cùng ủng hộ niềm đam mê này. Có nhiều bạn gặp ông nửa đùa nửa thật, vợ mày chắc ghen dữ lắm, đi đâu cũng thấy kè kè bên chồng. Quả là vậy, chơi bóng, thi đấu ở đâu vợ ông cũng theo như hình với bóng. Nhưng chỉ có người trong cuộc mới hiểu, “giữ chồng” là… phụ, chủ yếu là bà cũng yêu thích bóng bàn chẳng thua kém gì ông.

Năm 2000, gia đình ông Phúc chuyển vào Huế cho gần bố mẹ (ở Tứ Hạ), hẳn nhiên, cái sở thích bóng bàn một lần nữa đi theo gia đình ông. Vừa chuyển về Huế, ông lại tất tả ngược xuôi tìm mua những trang thiết bị phục vụ cho sở thích của mình. Mới đầu chưa có điều kiện, 2 bàn bóng bàn trước sân chỉ che bằng bạt. Mỗi khi trời mưa, người chơi cứ phải thỉnh thoảng gác vợt để lấy sào… chọc cho nước chảy đi. Vậy mà người chơi cứ đông nườm nượp. Mà không chỉ cả hẻm 256 Phan Chu Trinh (nơi ông ở) đến chơi, có không ít đoàn VĐV chuyên nghiệp từ các tỉnh bạn tìm đến ông để tập luyện mỗi khi Huế đăng cai tổ chức những giải bóng bàn cấp CLB, cấp quốc gia...

Hơn 10 năm nay, CLB bóng bàn Phúc Linh của ông vẫn vậy, chỉ khác là được lắp mái che bằng tôn và có rào lưới xung quanh. Nhưng điều lạ, lại thu hút khá đông người chơi. Có người ở Kim Long, Nguyễn Sinh Cung… cứ sáng sớm đã lóc cóc đạp xe đến nhà ông, dợt vài cữ bóng bàn rồi lóc cóc đạp về. Mà ngày nào cũng như ngày nào. Còn trong xóm thì khỏi phải nói. Kể ra mới đầu tôi cũng ngại ngại, sợ phụ huynh nghĩ vì bàn bóng của mình mà con cái bê trễ học hành. Nhưng bất ngờ, ai cũng ủng hộ khi thấy con mình tham gia vào một sân chơi bổ ích. Chả thế mà trong hẻm 256 Phan Chu Trinh, những cái tên như Khánh, Sơn, Tiến (VĐV bóng bàn của tỉnh) đều từ “lò” của ông mà ra, chưa kể còn có một VĐV được đi tập huấn tại Trung Quốc – cái nôi của bóng bàn thế giới.

Ông Phúc có 2 người con. Người con đầu là anh Nguyễn An Chung, đang công tác tại BV TW Huế. Lúc mới lấy vợ (cũng công tác tại BV TW Huế) anh đã “quán triệt” về cái sự đam mê của mình. “Quán triệt” riết chị vợ cũng mê bóng bàn không kém gì chồng. Còn con gái Nguyễn Thị Thanh Thúy (Thiếu tá, công tác tại Văn phòng CA tỉnh) thì đơn giản hơn. Bản thân là tay vợt có hạng hồi còn sinh viên, khi lập gia đình thì chồng, anh Nguyễn Huy Đông (Phó Phòng Cảnh sát hình sự, CA tỉnh) - cũng rất máu mê môn thể thao này. Hiện tại, cả hai đều là tay vợt được nhiều người biết đến tại những hội thao do Bộ CA hay CA tỉnh tổ chức.

Được “truyền thừa” cái sự đam mê thể thao từ gia đình, hai cháu trai là Nguyễn Thanh Tùng (10 tuổi) và Nguyễn Huy Thành Thái (11 tuổi) cũng tích trữ được kha khá số huy chương tại những hội thi đã tham gia, trong đó đáng chú ý là tấm HCĐ môn bóng bàn tại HKPĐ toàn quốc 2012 của Tùng hay tấm HCV bóng bàn tại Hội thi gia đình văn hóa thể thao tỉnh diễn ra ngày 18/5 mới đây.

Nhưng thể thao chưa phải là tất cả đam mê với gia đình ông Phúc. Ngoài bóng bàn, gia đình ông còn có thêm một đam mê khác là âm nhạc. Các hội diễn, hội thi của CLB hưu trí, Hội Hữu nghị Việt - Lào, CLB Năm tháng không quên… đều có dấu ấn của gia đình ông.

Hàn Đăng