Tập huấn kỹ năng du lịch cho đội ngũ xích lô

Còn yếu

Hướng dẫn viên Nguyễn Khoa Huy cho biết, công ty của anh vừa dẫn đoàn khách đi tour phá Tam Giang và trải nghiệm du lịch cộng đồng tại thôn Ngư Mỹ Thạnh (xã Quảng Lợi, Quảng Điền). Các dịch vụ do chính người dân phục vụ làm cho du khách rất hài lòng. Tuy nhiên, có một vấn đề mà lâu nay vẫn chưa thực hiện tốt ở thôn Ngư Mỹ Thạnh là đảm bảo vệ sinh môi trường. Trên các con đường liên thôn, rác sinh hoạt nằm ngổn ngang. Ngay trên phá, rất nhiều rác thải dạt vào bờ, khiến du khách không muốn tham gia trải nghiệm tắm phá.

Ông Nguyễn Anh Cầu, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Quảng Điền thừa nhận, rác thải đang làm ảnh hưởng không nhỏ đến du lịch cộng đồng tại Ngư Mỹ Thạnh. Ngay đoạn giáp ranh giữa xã Quảng Lợi và thị trấn Sịa có một bãi rác lớn tự phát, dù đã có nhiều nhắc nhở, người dân vẫn cố tình đưa rác ra đây. Huyện và xã đã tổ chức nhiều lớp tập huấn, song ý thức của người dân chưa thay đổi được nhiều. Riêng trên phá Tam Giang, thủy triều lên xuống làm rác thải các nơi dạt vào ngay đoạn thôn Ngư Mỹ Thạnh, làm ảnh hưởng đến hoạt động du lịch.

Gần đây, trên một số “diễn đàn” du lịch ở Huế phản ánh tình trạng “chặt chém” khách du lịch của đội ngũ xích lô. Có khách Hàn Quốc phản ánh, thuê một chiếc xích lô chở đi quanh thành phố trong hai tiếng đồng hồ thì bị lấy 2 triệu đồng. Giằng co qua về, cuối cùng phải trả 500 nghìn đồng.

Ông Phạm Hoàng Mai, Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP. Huế (đơn vị quản lý trực tiếp nghiệp đoàn xích lô du lịch) chia sẻ, vừa qua liên đoàn có nắm tình hình, xác nhận các trường hợp “chặt chém” làm ảnh hưởng đến hình ảnh du lịch đó là người ngoài nghiệp đoàn. Những tài xế này còn có các “chiêu thức” tinh vi hơn để lấy tiền của khách. Vào buổi tối các xích lô chạy dọc các tuyến phố, trước khách sạn để mời khách với giá rất thấp, thậm chí còn miễn phí. Sau đó, “gạ gẫm” chở đi mua đặc sản, hàng lưu niệm. Nhiều khách tưởng xích lô tốt bụng, nhưng không ngờ mua các đặc sản với giá cao hơn nhiều lần thực tế. Nếu khách mua thì xích lô sẽ lấy tiền "hoa hồng" từ các cửa hàng. Còn nếu thấy khách không mua, tài xế này liền xả lốp xe bảo rằng xe hỏng, xin khách cho ít tiền để sửa xe và bảo khách tự bắt xe về.

Ở Thủy Biều, mô hình du lịch cộng đồng được hình thành đã vài năm. Thương hiệu đã có và chính người dân đang làm tốt việc thu hút khách bằng những sản phẩm tự làm ra. Dù thế, kỹ năng làm du lịch ở Thủy Biều không phải người dân nào cũng nắm vững. Ông Hồ Xuân Đài, hộ kinh doanh du lịch cho rằng, ở Thủy Biều nhiều người dân chỉ thích đón những đoàn khách lớn để có lợi nhuận cao, còn khách lẻ thì “lơ” đi. Đây là nhận thức làm du lịch chưa đúng của người dân, phải có một, hai thì mới có nhiều hơn.

Ông Lê Ngọc Sanh, Chánh văn phòng Sở Du lịch thừa nhận, kỹ năng làm du lịch của người dân nói chung, tại các điểm có mô hình du lịch cộng đồng vẫn đang còn yếu. Đối với những người tham gia phục vụ khách ở khu vực thành phố, như tiểu thương, đội ngũ lái xe thì thiếu kỹ năng giao tiếp. Với các hộ dân làm du lịch cộng đồng là vấn đề đảm bảo vệ sinh môi trường và ngoại ngữ. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến phát triển du lịch chung, nhất là khi chính mỗi người dân đang trở thành “sản phẩm” du lịch độc đáo, thu hút khách đến với mong muốn tìm hiểu văn hóa Huế nói riêng và Việt Nam nói chung.

Mấu chốt vẫn là ý thức

Trước tình trạng xe xích lô có hiện tượng "chặt chém" khách, Sở Du lịch kêu gọi du khách, các hướng dẫn viên ghi lại hình ảnh, số xe sau đó cung cấp cho các cơ quan chức năng để xử lý. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tạm thời, không thể mang tính lâu dài, bởi du khách lưu lại Huế trong ít ngày, không có thời gian để giải quyết các sự việc. Ông Phạm Hoàng Mai cho rằng, mấu chốt là ý thức của tài xế xích lô. Các tài xế phải nhận thức được rằng chính mỗi hành động xấu sẽ ảnh hưởng đến du lịch Huế và lâu dài hơn sẽ ảnh hưởng đến “miếng cơm” của chính bản thân.

Giải pháp nâng cao nhận thức và kỹ năng làm du lịch cho người dân nhiều năm qua vẫn được thực hiện, thông qua các lớp tập huấn của cơ quan chức năng và các tổ chức phi chính phủ. Ông Lê Ngọc Sanh thông tin, đối với những người tham gia hoạt động du lịch có điều kiện như đội ngũ lái xe, hướng dẫn viên thì tham gia tập huấn là yêu cầu bắt buộc. Còn người dân mang tính tự nguyện thì quá vất vả, thậm chí phải trả thêm tiền công "may ra" người dân mới tham gia học. "Như các lớp tập huấn cho xích lô, tiểu thương ở các chợ nhiều năm qua luôn phải trả kinh phí cho người học, mà phải kinh phí cao, chứ thấp cũng không ai đi", ông Lê Hữu Sanh ngao ngán...

Sở Du lịch cho biết, trong các nội dung tập huấn, phần giới thiệu chung về du lịch, cách làm du lịch được tập trung giới thiệu cho người dân. Bởi vì, bước đầu phải nâng cao được nhận thức, khi người dân đã ý thức được làm du lịch phải như thế nào thì tự khắc họ sẽ tìm tòi, hoàn thiện kỹ năng.

Ý thức của mỗi một người vẫn là yếu tố quyết định trong hoạt động du lịch. Mỗi một người dân cần xác định chính bản thân là chủ thể làm nên hình ảnh du lịch Huế, chứ không chỉ có đền đài, lăng tẩm, sông Hương, núi Ngự… Khi đó, hình ảnh du lịch, môi trường du lịch Huế mới tốt hơn được.

Bài, ảnh: Đức Quang