Trẻ sơ sinh chịu ảnh hưởng nhiều về nhịp sinh học khi giờ giấc bị thay đổi - Ảnh: AFP

Theo đó, vào lúc 3h ngày 29/10 thì giờ giấc sẽ được tự động điều chỉnh lại còn 2h sáng. Mọi người nói nôm na là "được ngủ nướng thêm 1 giờ".

Qui ước đổi sang giờ mùa Đông và mùa Hè chính thức được áp dụng tại nhiều quốc gia ở châu Âu từ năm 1977 để tiết kiệm năng lượng bởi các nước đều thấm thía sau cuộc khủng hoảng dầu mỏ năm 1973.

Qui ước qui định chuyển sang giờ mùa Hè vào ngày Chủ nhật cuối cùng của tháng 3 trong năm và sang giờ mùa Đông vào ngày Chủ nhật cuối cùng của tháng 10. Việc đổi giờ được thực hiện vào lúc rạng sáng ngày Chủ nhật vốn là ngày nghỉ để không ảnh hưởng đến giờ giấc làm việc của mọi người.

Đến năm 1998, toàn bộ các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) đã áp dụng qui ước đổi giờ 2 lần trong năm để thống nhất giờ giấc trong các phương tiện giao thông liên đới giữa các nước và cho các hoạt động liên lạc.

Việc chỉnh đổi giờ giấc được giải thích là nhằm tiết kiệm năng lượng bởi vào mùa Hè, ánh sáng tự nhiên nhiều trong ngày, thậm chí dến 9h tối vẫn còn sáng như vào những ngày chiều bình thường nên điều chỉnh giờ sẽ giúp khai thác ánh sáng mặt trời, không buộc phải bật điện công cộng vào giờ đã qui định.

Như Bộ Chuyển đổi năng lượng của Pháp cho biết việc chuyển đổi giờ đã giúp tiết kiệm 440 gigawatt/h điện chiếu sáng trong năm 2009 - tương đương mức tiêu thụ năng lượng điện của 800.000 hộ gia đình.

Còn theo Cơ quan Môi trường và Kiểm soát năng lượng (Ademe), việc chuyển đổi giờ theo mùa sẽ giúp tiết kiệm năng lượng tang đều từ nay đến năm 2030 chủ yếu ở phần điện cho sưởi ấm.

Tuy nhiên sau này nhiều ý kiến phản biện cho rằng việc điều chỉnh giờ theo mùa không đem lại lợi ích như người ta mong đợi.

Về mặt tiết kiệm năng lượng, có những tháng trong "giờ mùa hè" (tháng 3, 4 và 10), thời tiết buổi sáng lạnh nên người dân dậy sớm sẽ phải bật sưởi nhiều hơn nên gây tốn kém năng lượng.

Kế đến là nhịp sinh học của con người, đặc biệt là người già, trẻ em và phụ nữ, dễ bị ảnh hưởng xấu do thay đổi giờ giấc nên về lâu dài, thiệt hại trong vấn đề này đối với ngân sách nhà nước cũng không hề nhỏ.

Nghiên cứu khoa học đã cho thấy người ta phải mất trung bình 1 tuần lễ để thích ứng với giờ giấc mới, dù chỉ là điều chỉnh 1 giờ. Nhịp sinh học của người già và người bệnh kinh niên thường đã quen với nhịp cố định nên cảnh hưởng điều chỉnh càng nặng nề hơn.

Một số nước như Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt đầu không áp dụng đổi giờ nữa. Từ tháng 6/2016, chính quyền Ankara đã tuyên bố ngưng theo giờ mùa Đông và áp dụng luôn giờ mùa Hè của châu Âu cho giờ của mình.

Đức thậm chí áp dụng đổi giờ từ thời Thế chiến thứ nhất, vào năm 1916 khiến Anh và Ireland sau đó áp dụng theo. 


Theo Tuổi trẻ