Số vụ vi phạm còn cao

Ông Hồ Văn Quân, Trưởng phòng Quản lý-Bảo vệ rừng (QLBVR) thuộc BQLRPH A Lưới thông tin: Lực lượng đơn vị chỉ 30 người, trong khi diện tích được giao QLBV trên 23.508 ha, trải đều trên địa bàn 8 xã song những cánh rừng phòng hộ đầu nguồn, nguyên sinh ở A Lưới cơ bản được bảo vệ an toàn và sinh trưởng tốt. Diện tích rừng trồng trên địa bàn ngày càng phát triển, mang lại nguồn thu nhập khá lớn cho người dân, phần nào hạn chế phụ thuộc vào khai thác rừng tự nhiên.

Với phương châm “phòng là chính”, BQL có nhiều hình thức tuyên truyền đa dạng, phong phú như họp cụm dân cư, thôn bản, ký cam kết bảo vệ rừng đối với các hộ dân, xây dựng biển cảnh báo…; từ đó nhận thức về vai trò, trách nhiệm trong QLBVR của người dân có chuyển biến tích cực. Trong ba năm qua, có gần 2.000 lượt người dân tham gia các đợt truy quét, tuần tra.

BQLRPH A Lưới phối hợp với kiểm lâm địa bàn, đồn biên phòng, chính quyền địa phương tổ chức nhiều đợt tuần tra, ngăn chặn hành vi lấn chiếm, phá rừng làm nương rẫy trái phép... Tuy nhiên, một bộ phận người dân trên địa bàn và các địa phương khác vẫn lợi dụng sơ hở đã lén lút chặt phá rừng trái phép với diện tích 16,8 ha. Trong 3 năm qua, có 58 vụ vi phạm Luật Quản lý và Bảo vệ rừng; đẩy đuổi 108 lượt người vào rừng trái phép; thu giữ gần 33m3 gỗ rừng tự nhiên và 56,6m3 gỗ rừng trồng, tịch thu 7 máy cưa gỗ, phá hủy 38 lán trại, 34 xăm ô tô, 46 bẫy thú... là con số đáng báo động, đòi hỏi các lực lượng QLBVR cần quan tâm ngăn chặn kịp thời trong thời gian đến.

Áp lực dựa vào rừng lớn

Ông Văn Thân, Giám đốc BQLRPH A Lưới xác định, nhu cầu thiết yếu về gỗ gia dụng, thuốc chữa bệnh của con người ngày một gia tăng. Điều đó khiến áp lực dựa vào rừng rất lớn, dẫn đến tình trạng khai thác gỗ rừng tự nhiên, săn bắt động vật hoang dã diễn ra bất cứ lúc nào. Các hành vi vi phạm ngày càng tinh vi và manh động hơn. Đó là thách thức lớn, đòi hỏi các lực lượng QLBVR ngày càng chuyên nghiệp hơn, với các trang thiết bị, dụng cụ bảo vệ rừng hiện đại.

Theo ông Thân, trong điều kiện lực lượng mỏng, trình độ chuyên môn nghiệp vụ của cán bộ viên chức thấp, độ tuổi trung bình khá cao... chưa đáp ứng yêu cầu QLBVR trước tình hình mới. Chế độ, chính sách cho cán bộ thực hiện nhiệm vụ QLBVR chưa thỏa đáng, công cụ hỗ trợ chưa được trang bị... cũng ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả QLBVR.

BQLRPH A Lưới vừa thành lập và ra mắt lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách (LLBVRCT) được đào tạo, tập huấn chuyên môn nghiệp vụ và được trang bị dụng cụ cần thiết để QLBV và phát triển rừng.

“Trước đây do thiếu bảo hộ lao động, công cụ phòng vệ nên cán bộ viên chức của đơn vị còn ngại trước những manh động của lâm tặc như dùng vũ khí, rựa, ném đá... để chống trả người thi hành nhiệm vụ. Nay được trang bị súng bắn đạn cao su, dùi cui điện, các loại phương tiện xịt hơi cay, áo giáp, găng tay bắt dao, mũ chống đạn… thì LLBVRCT sẽ không ngần ngại, cố gắng phát huy vai trò, trách nhiệm của mình để bảo vệ rừng hiệu quả”, ông Hồ Văn Quân khẳng định.

Bài, ảnh: Hoàng Triều