Bác sĩ Hàn Quốc đang mổ sứt môi - hàm ếch

Trao đứa con trai bé bỏng là bệnh nhân Nguyễn Đức Huy, 8 tháng tuổi cho bác sĩ, người cha còn rất trẻ Nguyễn Phi Hùng, quê tận xã Cẩm Sơn, thị xã Cẩm Phả (Quảng Ninh) ngồi ở ngoài hành lang phòng mổ chờ đợi. Hùng như đang ngồi trên đống lửa. “Đây không phải lần đầu tiên Bệnh viện Trường đại học Y Dược Huế thực hiện mổ dị tật. Tất cả những lần trước đều thành công. Cháu bé sẽ không sao đâu”. Tôi động viên Hùng. “Vâng, em biết vậy mới lặn lội từ Quảng Ninh đưa cháu vào đây”. Hùng trả lời và kể tiếp: “Con trai em mới 8 tháng tuổi. Sinh ra cháu bị dị tật. Hai vợ chồng em đưa cháu đi một số bệnh viện nhưng đều bị từ chối với lý do là bạch cầu cao. Rất may khi đọc thông tin ở trên mạng, biết có đoàn bác sĩ Hàn Quốc đến Huế mổ sứt môi, hở hàm ếch. Em điện thoại đăng ký và được bệnh viện cho làm thủ tục nhập viện rất nhanh chóng”.

Chị Nguyễn Thị Huyền, quê ở Nam Định, làm việc ở T.P Đà Nẵng, có con trai là Đinh Duy Quang cũng được mổ trong đợt này. Cùng tâm trạng với Hùng, Huyền hồi hộp, lo lắng cho con trai 7 tháng tuổi của mình. “Tôi chỉ mong con mình được lành lặn như những cháu bé khác” - Huyền nói, đôi mắt rưng rưng.

Bệnh viện dành hai phòng mổ, ưu tiên cho bệnh nhân mổ dị tật môi, hàm ếch. Các giáo sư, bác sĩ Hàn Quốc, Nhật, Huế đang miệt mài, chăm chú trong từng nhát cắt, đường mổ, tập trung cao độ để đem lại vẻ đẹp cho khuôn mặt bệnh nhân. Do thời gian ở lại Huế chỉ được 5 ngày, nên hàng ngày đoàn phẫu thuật phải làm thông tầm mới giải quyết được hết số lượng bệnh nhân.
 
Hoàn thành xong ca mổ, tranh thủ lúc giải lao, Giáo sư Shin, Hyo-Keun (được Đại học Huế phong GS danh dự vì đã có nhiều đóng góp cho Trường đại học Y Dược Huế), Trưởng đoàn, trao đổi với tôi: “Đoàn thực hiện mổ tại đây từ năm 2005, đến nay đã phẫu thuật miễn phí cho 150 cháu. Đoàn sẽ cố gắng, mỗi năm về Huế một lần để cùng các bác sĩ bệnh viện giải quyết khắc phục dị tật cho bệnh nhân. Trong quá trình hợp tác, Đoàn đang giúp trường đào tạo 2 thạc sĩ chuyên ngành răng hàm mặt tại Hàn Quốc, trong tương lai, đoàn sẽ chuyển giao những kỹ thuật phức tạp hơn cho bác sĩ Khoa Răng hàm mặt của bệnh viện”.
 
Một tuần sau tôi quay lại phòng điều trị của các bệnh nhân. Hầu hết các bệnh nhân đã ổn định về sức khoẻ. Vết mổ đã vừa khô. Chị Huyền như vừa trút được gánh nặng. Khuôn mặt tươi tắn: “Dù con tôi còn phải trải qua hai lần mổ nữa, nhưng tôi đã rất yên tâm. Mấy hôm nay tôi được ngủ ngon nhất kể từ khi sinh cháu đến nay”.
 
Đối diện với giường của hai mẹ con chị Huyền là giường của bệnh nhân Lại Thương Huế, 17 tháng tuổi quê ở xã Cam Nghĩa, Cam Ranh, Khánh Hoà. Huế chỉ bị sứt môi nên thực hiện mổ một lần là thành công. Như một phép màu. Chỉ sau một tuần kể từ ngày nhập viện, sau khi phẫu thuật, khuôn mặt của Huế không chỉ không còn bị khiếm khuyết, mà còn là một cô bé xinh xắn. Nhưng Huế còn quá bé, chưa biết gì cả, chỉ có cha của em là Lại Văn Hạnh, dù vẻ mặt hết sức điềm tĩnh, nhưng đôi mắt không giấu được niềm vui. Ông Hạnh cho biết: “Con gái tôi được như vậy là nhờ sự tận tình của các bác sĩ. Ngoài việc mổ tốt, việc chăm sóc sau mổ cũng rất quan trọng. Các bác sĩ, điều dưỡng của Khoa Tai mũi họng - Mắt - Răng hàm mặt đã rất tận tình trong việc thăm khám, chăm sóc bệnh nhân. Họ luôn chia sẻ, động viên chúng tôi”.
 
“Tôi đã đi khá nhiều bệnh viện, và thực sự yên tâm khi cho con tôi điều trị ở bệnh viện này. Từ việc đón tiếp đến khi thực hiện phẫu thuật, chăm sóc sau mổ, họ đều làm việc tận tình, bằng tình thương thực sự chứ không vụ lợi” - Nguyễn Phi Hùng, cha của bệnh nhân Nguyễn Đức Huy nhận xét. Chị Lê Thị Sao, ở số nhà 76/ 93. A.D.V Huế có con gái vừa được mổ hàm ếch cho tôi biết: “Thấy bác sĩ quá tận tình, chu đáo với con gái mình. Tôi cứ áy náy mãi. Xong việc, tôi mới đến cám ơn bác sĩ nhưng bác sĩ đã trả lại quà, chỉ nhận lời cám ơn”.
 
Có một người luôn được người nhà bệnh nhân nhắc đến với sự quí trọng, yêu mến, đó là thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa II Trần Tấn Tài, Phó trưởng Khoa Tai mũi họng - Mắt - Răng hàm mặt, người đã tham gia trực tiếp mổ, rồi tiếp tục khám, chăm sóc sau mổ cho bệnh nhân. Suốt cả tuần khá căng thẳng, mệt mỏi cùng các giáo sư, bác sĩ nước ngoài thực hiện phẫu thuật cho bệnh nhân, nhưng hễ xong việc ở phòng mổ là bác sĩ Tài lại đến ngay với bệnh nhân đang điều trị ở phòng hậu phẫu. Ông kiểm tra, chăm sóc từng vết mổ của từng bệnh nhân để xử lý kịp thời phòng khi có trường hợp không may xảy ra. Bằng sự sẻ chia, cảm thông với bệnh nhân, ông làm việc bằng cả tấm lòng, cùng đồng nghiệp, ông đã để lại nhiều ấn tượng, tình cảm đẹp cho bệnh nhân.
 
Sẽ còn phải trải qua vài lần phẫu thuật bệnh nhân mới có được nụ cười đẹp, nhưng bệnh nhân và người nhà khi tạm xa Bệnh viện Trường đại học Y Dược Huế, họ mang theo cả niềm vui và sự yên tâm cho lần đến kế tiếp, bởi những việc làm của các bác sĩ Hàn Quốc và Bệnh viện Trường đại học Y Dược Huế đã đem lại niềm tin cho bệnh nhân khi không ít cơ sở y tế, vấn đề y đức đang là nỗi buồn của nhiều người.
 
Đinh Hoàng Xuân Hồng