Vào mùa mưa bão, tàu ĐBXB TTH-96969 của ngư dân Đỗ Văn Thành ở thôn 3, xã Vinh Thanh phải đến âu thuyền Phú Hải neo đậu, trú tránh.

Đội tàu xa bờ ở Vinh Thanh chuẩn bị vươn khơi

“Âu thuyền Phú Hải thường bị bồi lắng, luồng lạch cạn gây trở ngại mỗi khi tàu ra vào. Sức chứa của âu thuyền này cũng có hạn, tàu thuyền chen chúc neo đậu, mất an toàn”, ông Thành lo lắng.

“Mỗi chuyến đánh bắt trở về, các tàu ở Vinh Thanh phải cập Cảng cá Thuận An để bán hải sản, sau đó vượt hơn 20 km mới đưa được tàu về khu neo đậu tại địa phương. Nếu neo đậu tại Phú Hải thì việc quản lý tàu, lưới chài, thiết bị máy móc rất khó khăn, ngư dân không yên tâm. Đưa tàu về địa phương neo đậu, ngư dân thuận lợi trong việc vận chuyển, bán hải sản, sửa chữa thiết bị máy móc, giặt giũ lưới cụ. Đáng tiếc là tại địa phương chưa có âu thuyền nên chỉ neo đậu tạm bợ...”, ông Đỗ Khễ, chủ tàu cá công suất trên 800 CV, đóng theo Nghị định 67 giãi bày.

Chủ tịch Hội Nghề cá xã Vinh Thanh, ông Nguyễn Thanh Phát cho biết: “Thời điểm này tại xã Vinh Thanh đã có 24 chiếc tàu ĐBXB, công suất từ 100 CV đến trên 800 CV, nhưng chưa có âu thuyền neo đậu an toàn. Vào mùa mưa bão, một số tàu thuyền neo đậu tại Phú Hải (trong điều kiện chật hẹp), còn hơn một nửa phải về địa phương neo đậu. Quá trình neo đậu, ngư dân chỉ giằng buộc dây tạm thời vào các gốc cây. Rất may những năm gần đây không có bão lớn nên tàu thuyền chưa xảy ra hư hỏng, thiệt hại nặng”.

Ông Nguyễn Trường Chính, Chủ tịch UBND xã Vinh Thanh dự báo, số lượng tàu ĐBXB tại địa phương sẽ tăng nhanh trong thời gian đến. Riêng kế hoạch phấn đấu của chính quyền địa phương, mỗi năm cải hoán, đóng mới từ 1-2 chiếc tàu công suất từ 400 CV trở lên.

Điều mà ông Chính trăn trở là tại địa phương vẫn chưa có âu thuyền neo đậu sau mỗi chuyến đánh bắt trở về và tránh trú bão; trong khi, điều kiện về vị trí để xây dựng âu thuyền tại địa phương rất thuận lợi và phù hợp.

Theo ông Chính, vị trí đầm phá gần cầu Trường Hà cũ rất phù hợp cho việc xây dựng âu thuyền neo đậu, tránh trú bão cho tàu công suất lớn từ 400 CV trở lên. Mực nước tại đây rất sâu, không bị bồi lắng do tác động của thiên tai, bão lũ hằng năm. Mong muốn của chính quyền địa phương và ngư dân là có được một âu thuyền, kết hợp bến neo đậu để mỗi khi đánh bắt về dễ vận chuyển hải sản, giặt giũ lưới, sửa chữa thiết bị máy móc, quản lý tài sản và tránh trú bão an toàn.

Ông Chính đề xuất, cần đầu tư âu thuyền có quy mô neo đậu trên 100 chiếc tàu tại địa phương và phục vụ tàu của một số xã lân cận khi cần thiết. Nếu được đầu tư xây dựng âu thuyền tại đây, các ban ngành cần tham khảo ý kiến, tư vấn của người dân về việc chọn vị trí, quy mô phù hợp, tránh tình trạng bất cập, bồi lắng như các âu thuyền trên địa bàn tỉnh hiện nay.

Ông Hồ Viết Nhuận, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Vang cho hay, huyện rất ủng hộ việc xây dựng một âu thuyền tại xã Vinh Thanh nhằm thúc đẩy phát triển đội tàu ĐBXB, khai thác tiềm năng, thế mạnh kinh tế biển. Tuy nhiên điều kiện ngân sách của huyện hạn chế, không thể đầu tư; rất mong cấp trên quan tâm nghiên cứu, xem xét đưa vào kế hoạch, dự án xây dựng âu thuyền neo đậu, tránh trú bão ở Vinh Thanh.

Bài, ảnh: Hoàng Triều