PGS.TS Nguyễn Đình Sơn

Hiện, tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh có biển chuyển gì không thưa ông?

So với các tỉnh, thành khác, hiện tình hình dịch bệnh ở Thừa Thiên Huế khá ổn định; đặc biệt nhiều năm qua, trên địa bàn không để xảy ra dịch, kể cả các dịch bệnh thông thường.

Từ đầu năm đến nay, SXH xuất hiện khoảng 300 trường hợp, không tăng so với với cùng kỳ năm trước. Bệnh tay chân miệng (TCM), bình quân mỗi năm chỉ có vài chục trường hợp rải rác ở các huyện, thị xã.  Riêng 10 tháng đầu năm 2017, toàn tỉnh chỉ có hơn 70 trường hợp. Lưu tâm nhất là bệnh thủy đậu, 6 tháng đầu năm 2017 xuất hiện trên 200 trường hợp, rải rác một số phường xã, không thành dịch.

Trước tình hình này, ngành y tế chỉ đạo rốt ráo Trung tâm YTDP tỉnh và các TTYT huyện, thị xã, thành phố  tập trung xử lý ngay từ ban đầu và đẩy mạnh tuyên truyền hướng dẫn người dân phòng ngừa, do vậy đến quý 3/2017, bệnh thủy đậu giảm hẳn.

Cứ đến chu kỳ bắt đầu chuyển mùa thì tình hình dịch bệnh có xu hướng tăng.  Năm nay, Thừa Thiên Huế số lượng bệnh nhân mắc bệnh giảm, trong đó có 2 bệnh giảm rõ rệt là SXH và TCM. Các bệnh có nguy cơ lây từ động vật sang người, như cúm A/H5N1 trên đàn gia súc diễn biến phức tạp nhưng ở Thừa Thiên Huế không xuất hiện.

Ông vừa nêu và nhiều người nhận định cái được lớn nhất của ngành y tế trong năm qua là khống chế và không để xảy ra dịch bệnh. Đâu là lý do của kết quả này?

Do diễn biến thời tiết phức tạp, cộng với điều kiện vệ sinh môi trường, thói quen sinh hoạt chưa khoa học trong dân khiến dịch bệnh phát sinh, phát triển.

Đầu năm 2007 đến nay, nhiều địa phương để xảy ra dịch cúm nguy hiểm. Vào thời điểm giữa năm, một số tỉnh miền Trung và Nam bộ  xuất hiện dịch SXH. Cách đây chưa lâu, dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm bùng phát ở hơn 10 tỉnh, thành, tập trung ở khu vực đồng bằng Bắc Bộ và hiện nay là bệnh TCM.  Riêng ở Thừa Thiên Huế, tình hình dịch bệnh rất ổn vì ngành y tế tỉnh chủ động triển khai phòng ngừa khoa học. Ngay từ đầu năm, Trung tâm y tế Dự phòng tỉnh (trung tâm) tham mưu, chỉ đạo, phối hợp các tổ chức, ban ngành, địa phương các cấp… mở hội nghị ký cam kết đến các hộ gia đình và tích cực thực hiện các biện pháp phòng chống dịch tại gia đình, cộng đồng. Cùng với đó là việc tăng cường vận động, tuyên truyền, triển khai có hiệu quả các biện pháp giám sát, dự phòng nên trên địa bàn đã không để xảy ra dịch lớn, không có bệnh nhân tử vong do mắc phải 24 bệnh truyền nhiễm…

Chủ động khoanh vùng, không chế khi phát dịch có dấu hiệu dịc SXH

Không để xảy ra dịch bệnh là do công tác y tế dự phòng có khoa học. Ông có thể nói rõ hơn về vai trò y tế dự phòng ở Thừa Thiên Huế?

Ngoài sự quan tâm, chỉ đạo chặt chẽ của tỉnh, của Bộ Y tế, còn có sự đóng góp tích cực, hiệu quả của đội ngũ cán bộ y tế, trong đó có những người làm công tác dự phòng. Với phương châm “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, ngay từ đầu năm mới, trung tâm xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch theo mùa, trong đó chú tâm đến việc phòng bệnh viêm đường hô hấp cấp, phòng, chống dịch bệnh trong mùa mưa bão, phòng bệnh tiêu chảy cấp... Trung tâm chuẩn bị đủ cơ số thuốc, hoá chất và phương tiện cần thiết sẵn sàng đối phó khi có dịch bệnh xảy ra; thành lập các đội chống dịch cơ động ở tỉnh và 9 huyện, thành phố. Mạng lưới giám sát dịch được triển khai từ tỉnh xuống cơ sở, chế độ báo dịch được duy trì thường xuyên.

Khi có dịch bệnh xảy ra, trung tâm phối hợp chặt chẽ với ngành liên quan vận động Nhân dân làm vệ sinh môi trường, tiêu độc, khử trùng, giám sát, phối hợp điều trị  không để dịch lây lan rộng. Khi xảy ra lũ lụt, trung tâm cùng các đơn vị trong ngành y tế cử cán bộ về "nằm vùng" ở các xã để hướng dẫn người dân làm vệ sinh môi trường, thực hiện các biện pháp phòng bệnh, khám, cấp thuốc cho Nhân dân. Một số bệnh, như tiêu chảy, viêm đường hô hấp  được khống chế, không để xảy ra thành dịch lớn.

Tiêm phòng cho trẻ, biện pháp phòng dịch bệnh hiệu quả

Liệu có khó khăn nào trong công phòng chống  ở địa phương?

Trong điều kiện kinh tế như hiện nay, mọi thứ đều cắt giảm thì ngân sách cấp cho y tế cũng giảm theo. Do vậy, một số hoạt động về phòng chống dịch bệnh cũng giảm đi. Hơn nữa, điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn nên người dân ở một số vùng sâu, vùng xa  ít có điều kiện quan tâm đến việc chăm sóc sức khỏe, phòng bệnh. Một số địa phương, người dân chưa ý thức, trách nhiệm cao trong công tác phối hợp phòng ngừa dịch bệnh, vệ sinh môi trường ở khu vực dân cư, cộng đồng thôn, xóm. Một khó khăn nữa là về nhân lực, số cán bộ làm công tác y tế dự phòng đang thiếu, đặc biệt, cán bộ có trình độ chuyên sâu lại càng thiếu. Những năm qua, công tác đào tạo nhân lực được triển khai với nhiều hình thức, nhưng so với nhu cầu thì vẫn còn một khoảng cách khá xa,  ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch bệnh.

Thời điểm vào mùa đông và đầu xuân thường dễ phát sinh dịch bệnh. Dưới góc độ chuyên môn, ông có khuyến cáo gì?

Mùa đông và đầu xuân nhất là dịp Tết Nguyên đán là thời điểm nhạy cảm, chúng ta cần đề các phòng bệnh cúm, viêm đường hô hấp cấp, tiêu chảy, ngộ độc thực phẩm, quai bị, thuỷ đậu… Để làm tốt công tác phòng, chống dịch, cần có sự phối kết hợp giữa các ngành chức năng và sự hợp tác từ phía cộng đồng.

Hiện tại, trên địa bàn tỉnh chưa có dịch xảy ra, song mỗi cá nhân, gia đình, cộng đồng không nên chủ quan, lơ là với công tác phòng ngừa. Mỗi người cần thực hiện tốt các biện pháp vệ sinh cá nhân, ăn chín, uống sôi, không ăn thức ăn tái, sống, ôi thiu, thực phẩm không rõ nguồn gốc đề phòng ngộ độc thực phẩm; chú trọng công tác tiêm phòng. Để phòng bệnh dịch, như cúm gia cầm, SXH, TCM… các gia đình cần làm tốt vệ sinh môi trường, chuồng trại chăn nuôi phải được tẩy uế, khử trùng, nhất là ở những vùng nguy cơ cao. Khi phát hiện trong gia đình có người mắc các triệu chứng bệnh dịch, cần đưa đến cơ sở y tế khám, điều trị dứt điểm.

Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

Minh Văn (thực hiện)