Cũng có thể là do bầu không khí mỗi lúc một dầy lên khi dòng người bắt đầu phải len lỏi vào nhau để bước đi trên hè phố. Que kem mua bên hồ cũng không đủ làm tan đi hơi nóng đã ẩm ra từ trong lớp áo. Mấy chiếc khăn choàng dài mang về từ Mộc Châu đã lơi xuống nhường chỗ cho những ánh mắt long lanh. Đó là khi chúng tôi vừa hòa vào dòng người trên phố đi bộ Hà Nội, sau hai ngày rét mướt có lúc đến tê dại mà thích lắm ở Mộc Châu.
Hà Nội hôm ấy có lắm thứ để những người đàn bà đến từ Huế chậm chân và dừng lại. Một chiếu chèo bắt đầu í a, một dàn nhạc dân tộc với mấy thiếu nữ áo dài cách tân đang chơi một bản hòa tấu không lời. Có một đám trẻ đang rộn rã vũ điệu hip hop với những tiết tấu khỏe khoắn và dứt khoát. Một ban nhạc đường phố đang phiêu với giai điệu không lời nhưng chàng trai đang gọi âm thanh rộn rã bằng đôi tay điệu nghệ trên trống có lẽ thu hút nhiều ánh mắt hơn cả. Những người bạn của tôi hôm đó chắc đã có cảm nhận về một Hà Nội vừa gần gũi, vừa nao động mà không kém phần hào hoa khi lang thang vào lòng thành phố.
Ai đó đã kéo tay tôi vào một vòng tròn khá đông đúc. Không rõ âm thanh đã vang lên từ đâu nhưng đó là giai điệu dành cho tango. Tôi nhìn những bước chân say sưa và mê đắm của các đôi nhảy và bất chợt nhận ra chân mình đang nhún nhảy, như nhiều người khác. Nhạc, vũ điệu, những cú xoay người và những bước lướt đi mềm mại đã hút mọi người vào một không gian nao nức và mê đắm. Đến mức, không ai có thể nhận ra dưới chân họ không phải là sàn nhảy. Chính trong lúc đó, đường phố đã trở thành các sân khấu và sân chơi cộng đồng kéo mọi người lại gần nhau hơn…
Cứ ngỡ đó chỉ là điều “nhặt” được khi đến Hà Nội, nhất là khi nhiều người trong đoàn đã chia sẻ với nhau về ước muốn một ngày nào đó, Huế cũng sẽ có một không gian nao động như vậy. Thế mà bây giờ, điều ấy đã không còn là ước muốn nữa.
Ngày cuối tuần tròn tháng đầu tiên kể từ lúc khai mạc phố đi bộ trên tuyến Võ Thị Sáu - Phạm Ngũ Lão - Chu Văn An, những giai điệu và tiết tấu mê hoặc của các điệu nhảy đã được các bạn trẻ thực hiện trong sự dừng lại và tán thưởng của đám đông. Đó cũng là lần đầu tiên các vũ công nhí và vũ công trẻ của Huế Street Dance ra mắt và đem vào phố đi bộ - vốn mới chỉ có những buổi biểu diễn văn nghệ, những hoạt cảnh người tượng hay một vài ban nhạc đường phố của sinh viên trường nhạc - những bước nhảy tươi trẻ vào không khí hào hứng xuống phố đêm. Điều làm tôi thích thú là những bước nhảy của các chàng trai cô gái đã được người dân Huế đón nhận và tán thưởng, cho dù vẫn còn lắm rụt rè và cả ngại ngần nữa để có thể cùng bước xuống sàn nhảy đường phố và lướt đi trong vũ điệu. Có lẽ cũng vì đó là dance sport – điệu nhảy dành cho những người rất trẻ. Và cho dù đó mới chỉ là những bước chân đầu tiên, nhưng có thể nhận ra một điều rõ ràng về sự thay đổi ở một nơi tưởng chừng như rất khó thay đổi. Một thành viên của Los Dance Center đã nói với tôi rằng, lần sau thay vì sân khấu, các bạn có thể sẽ trải thảm xuống lòng đường và các thành viên sẽ mời mọi người cùng tham gia những điệu nhảy phổ biến dành cho mọi lứa tuổi. Bạn ấy tin vào sự nhập cuộc của mọi người khi các lớp học khiêu vũ đông hơn và liên tục nối dài…
Tôi nhìn thấy một sự thay đổi, từ phố đi bộ và từ những điệu nhảy trên phố ở nơi cứ tưởng như lúc nào cũng trầm lắng này…
NGUYỄN ANH DÂN