Sản phẩm lụa, tơ tằm Việt tại Festival nghề truyền thống Huế

Ông Hoàng Khải - Chủ tịch tập đoàn Khaisilk, một doanh nhân nổi tiếng cả về thành đạt lẫn đạo đức kinh doanh - lên tiếng thừa nhận có khoảng 50% số hàng do Khaisilk bán ra trong 30 năm qua có nguồn gốc từ Trung Quốc. Người dân các làng nghề dệt lụa như Vạn Phúc (Hà Đông - Hà Nội), Nha Xá (Hà Nam) bàng hoàng trước lời thú nhận của “ông hoàng tơ lụa”. Không chỉ dân dệt lụa, buôn lụa mà cả rất đông khách hàng của Khaisilk cũng bị sốc nặng. Trong đó, có các cơ quan ngoại giao Việt Nam và các nước, vẫn thường chọn mua khăn lụa và các sản phẩm lụa Khaisilk để tặng khách, như là món quà đậm đà bản sắc Việt.

Lâu nay người ta thường nghe nhà buôn gian lận, dùng hàng nội dán nhãn ngoại, tạo ra hàng ngoại giả để kiếm lời lớn. Còn lần này thì ngược lại, nhập hàng ngoại thật dán nhãn Việt, tạo hàng nội giả, và đã kiếm lợi kinh khủng, vì giá bán được tăng lên hàng chục lần. Mỗi chiếc khăn lụa khaisilk giá bán đến gần 700.000đ/chiếc, cao ngất ngưởng, nhưng khách hàng vẫn vui vẻ mua. Bởi vì, ai cũng nghĩ rằng đó là món hàng lụa Việt, được dệt từ sợi tơ tằm và kỹ thuật dệt truyền thống Việt Nam. Tấm lụa đó thấm đẫm mồ hôi của người thợ dệt và mang cả hồn cốt của văn hóa Việt. Người Việt nào cũng muốn mua một món quà như thế để tặng khách quý, nhất là khách nước ngoài. Và suốt mấy chục năm qua, họ đã chọn lụa Việt của Khaisilk. Ngoài việc chọn món hàng mang bản sắc Việt, người mua chắc còn nghĩ đến việc góp phần nuôi sống những làng nghề dệt truyền thống cùng với những người thợ dệt tài giỏi.

Mấy hôm nay, báo chí và dư luận nói nhiều đến các làng nghề dệt truyền thống Việt Nam như Vạn Phúc, Nha Xá, Nam Cao (Thái Bình), Mã Châu, Đông Yên (Quảng Nam) và cả vùng dâu - tằm - tơ Bảo Lộc (Lâm Đồng). Hàng lụa bình dân của Trung Quốc giá chỉ bằng nửa hàng lụa do các làng nghề này dệt, nên tràn ngập thị trường Việt Nam, từ shop thời trang đến sạp vải ngoài chợ. Hàng lụa Trung Quốc mang nhãn hiệu Khaisilk thì giá đắt gấp cả chục lần, chiếm lĩnh thị trường cao cấp. Các làng nghề dệt truyền thống sẽ tồn tại thế nào đây giữa “hai gọng kìm” đó? 

Ai đã đến các làng nghề dệt truyền thống như Vạn Phúc, Nha Xá, chắc hẳn rất yêu mến cái nghề trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa mang đậm bản sắc Việt. “Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát/ Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông” (thơ Nguyên Sa). Lụa Hà Đông nức tiếng một thời ấy chính là lụa Vạn Phúc đấy. Ai đã dự Festival nghề truyền thống Huế, được xem tận mắt các nghệ nhân làng dệt biểu diễn kỹ thuật dệt vải từ các loại sợi tự nhiên như tơ tằm, vỏ cây... đều rất tự hào với tinh hoa nghề Việt.

Nhà nghiên cứu Trịnh Bách chính là người đã phục hồi nghề dệt của làng Vạn Phúc từ thập niên 1990 (sau một thời gian dài đóng máy) để lấy vải lụa phục chế bộ trang phục triều Nguyễn. Ông Bách cho biết, nếu so sánh giữa hai tấm lụa cao cấp của Việt Nam và Trung Quốc, thì lụa Việt không đẹp bằng, mà giá bán lại cao hơn. Đó là lý do căn cốt khiến lụa Việt “thua ngay trên sân nhà”. Giải pháp để cứu lụa Việt, theo ông Bách, là phải cải tiến kỹ thuật dệt, sáng tạo mẫu mã mới, để nâng phẩm cấp món hàng. Đồng thời, phải giảm bớt các chi phí trung gian để giá bán không thể cao như hiện nay. Và giải pháp đó, không chỉ cho lụa mà cho cả ngành hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam.

Chấn hưng nghề truyền thống là giải pháp gốc rễ để cứu nguy cho hàng Việt đang “thua ngay trên sân nhà”. Một công việc mà Festival nghề truyền thống Huế đang bền bỉ làm trong những năm qua. Tuy nhiên, nghề Việt mà chỉ một mình Huế đứng ra “cứu nguy” thì không thể kham nổi. Cứu nghề Việt thì cả nước Việt cùng làm. Cùng làm hai việc: chống hàng ngoại nhập giả hiệu hàng Việt (như Khaisilk), và quan trọng nhất vẫn là nâng cao phẩm cấp của chính hàng Việt mình!

Bài: MINH TỰ- Ảnh: LÊ HUY HOÀNG HẢI