Giờ học của sinh viên ngành Mỹ thuật ứng dụng, Trường đại học Nghệ thuật - Đại học Huế

Ngành học được ưa chuộng

Dẫu không còn lượng thí sinh đông đảo như trước đây, mỹ thuật ứng dụng (MTƯD) vẫn là ngành “hot” ở Trường đại học Nghệ thuật - Đại học Huế. Trong số 68 thí sinh nhập học năm nay, ngành MTƯD chiếm đến hơn 40 thí sinh.

Ths. Đỗ Xuân Phú, Phó Hiệu trưởng Trường đại học Nghệ thuật cho hay: “Một trong những lý do khiến MTƯD thu hút thí sinh hơn các ngành mỹ thuật khác vì ra trường rộng đường xin việc. Từ năm 1996 đến nay, sinh viên tốt nghiệp tỷ lệ có việc làm rất cao. Dù ở Huế, nhu cầu với ngành này chưa nhiều so với những thành phố lớn khác nhưng sinh viên ra trường vẫn xin được việc ở Đà Nẵng hoặc miền Nam, nhất là ở TP. Hồ Chí Minh”.

Nhu cầu xã hội đang cần, dễ xin việc là lý do Nguyễn Hà My, sinh viên Khóa 18 chuyên ngành Thiết kế đồ họa, Khoa Mỹ thuật ứng dụng lựa chọn ngành học này cách đây 4 năm. Hà My tâm sự: “Lúc em thi đại học, MTƯD là ngành rất “hot”, ra trường dễ xin được việc làm, công việc lại đa dạng. Bên cạnh năng khiếu, ngành học này đòi hỏi sinh viên phải chăm chỉ, nhanh nhạy tìm hiểu, cập nhật thông tin và sự thay đổi bên ngoài xã hội”.

Mục tiêu đào tạo của ngành MTƯD cũng khác với các ngành mỹ thuật khác. Họa sĩ Nguyễn Thiện Đức, Trưởng khoa Mỹ thuật ứng dụng, Trường đại học Nghệ thuật chia sẻ: “MTƯD là sự kết hợp giữa thực dụng và cái đẹp, giữa giá trị sử dụng và giá trị thẩm mỹ. Sinh viên MTƯD cũng làm ra tác phẩm nhưng không chỉ để trưng bày mà phải mang tính ứng dụng thực tiễn. Điều đó đòi hỏi sinh viên phải tư duy sáng tạo, thạo nghề mới làm ra được sản phẩm đáp ứng hai yêu cầu trên. Ngoài kiến thức nền về mỹ thuật tốt, sinh viên phải thông thạo các phần mềm máy tính, tức là kết hợp giữa tư duy thẩm mỹ và tư duy công cụ”. 

Gắn kết với doanh nghiệp

MTƯD yêu cầu người học phải có kinh nghiệm thực tế, học đi đôi với hành. Sản phẩm thiết kế ra phải khả thi trong sản xuất và tiêu thụ nên việc được thực tập tại doanh nghiệp giúp người học hiểu rõ hơn những bài học lý thuyết. Mỗi năm, sinh viên từ năm thứ 3 trở lên đều được đi thực tế, thực tập 4 -5 tuần tại các doanh nghiệp đang hoạt động ở lĩnh vực các em theo học. Điều này giúp sinh viên nắm bắt nhu cầu và làm quen với công việc thực tế. Chương trình thực tập cũng là cuộc khảo sát, thử thách trong quá trình lập nghiệp. Hà My chia sẻ: “Khi đi thực tập, em có thể đáp ứng được yêu cầu của công việc. Chương trình đào tạo của trường ứng dụng được thực tế, không có sự xa rời giữa lý thuyết và thực hành”.

Để đào tạo sinh viên MTƯD đáp ứng nhu cầu công việc, trong khả năng có thể của trường, của khoa, đã điều chỉnh một số học phần, chương trình để phù hợp với nhu cầu công việc bên ngoài. Việc gắn lý thuyết với kỹ năng thực hành trở thành chương trình đào tạo đặc thù của MTƯD. Trong các học phần, thực hành với lý thuyết luôn luôn song hành, trong đó thời gian thực hành chiếm tỷ lệ nhiều hơn. Ths. Đỗ Xuân Phú cho biết: “Nhà trường mời các doanh nghiệp đến trao đổi kinh nghiệm với sinh viên, đến tham dự sinh viên bảo vệ tốt nghiệp. Đây là cách tìm kiếm cơ hội việc làm cho sinh viên và cũng là cơ hội cho doanh nghiệp tuyển dụng lao động. Nhiều doanh nghiệp ở Huế và Đà Nẵng thường xuyên chủ động liên hệ với trường để tuyển dụng nhân sự”.

Chuyển đổi chương trình từ đào tạo niên chế sang đào tạo tín chỉ, Trường đại học Nghệ thuật sẽ tham khảo ý kiến các doanh nghiệp, cựu sinh viên hoạt động trong lĩnh vực MTƯD để điều chỉnh chương trình phù hợp với thực tế. Họa sĩ Nguyễn Thiện Đức cho rằng: “Sau khi lấy ý kiến của các nhà tuyển dụng, trong số đơn vị học trình được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép điều chỉnh, nhà trường sẽ tận dụng để linh hoạt thay đổi nội dung giảng dạy, điều chỉnh một số học phần thích ứng với nhu cầu xã hội, để từ môi trường giảng dạy ra thực tiễn phải gần nhau hơn nữa, sinh viên có nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm. Nhu cầu xã hội với ngành MTƯD thay đổi liên tục, nhà trường phải cập nhật để thích ứng với thực tiễn”.

MTƯD là một ngành hướng đến sử dụng kiến thức nghệ thuật chuyên biệt theo hướng thực hành, áp dụng vào sáng tạo nghệ thuật trong ứng dụng nhiều mảng đời sống, bao gồm các lĩnh vực thiết kế đồ họa, thiết kế thời trang, thiết kế trang trí nội ngoại thất, tạo dáng công nghiệp, thiết kế mỹ thuật truyền thống...

Bài, ảnh: Minh Hiền