Trung tâm báo chí quốc tế phục vụ APEC 2017 có khả năng phục vụ khoảng 3.000 phóng viên. Ảnh: NGUYÊN KHÔI

Sự kiện đối ngoại quan trọng

Tại thủ đô Mátxcơva (Nga), Trung tâm nghiên cứu Việt Nam và ASEAN đã tổ chức hội thảo bàn tròn với chủ đề: “Diễn đàn APEC 2017 tại Việt Nam: Những cơ hội phát triển khu vực”. Hội thảo thu hút sự tham gia đông đảo các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực nghiên cứu Việt Nam, APEC và châu Á. Tại hội thảo các chuyên gia tập trung thảo luận những thành tựu của Việt Nam sau 30 năm đổi mới; đa dạng hóa hoạt động kinh tế đối ngoại, tính đa dạng trong chính sách đối ngoại, hội nhập nền kinh tế khu vực và thế giới của Việt Nam.

 Trình bày tham luận tại hội thảo, Phó Giáo sư Oksana Novakova của Viện các nước Á - Phi thuộc Trường Đại học Tổng hợp quốc gia Mátxcơva mang tên Lomonosov (MGU) cho rằng Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) 2017 là một trong những sự kiện chính trị đối ngoại quan trọng nhất của Việt Nam trong những năm gần đây, khẳng định đường lối tích cực hội nhập quốc tế và sẽ thúc đẩy nâng cao vai trò và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, đồng thời thúc đẩy hình ảnh Việt Nam như một quốc gia đang phát triển năng động, mến khách và an toàn. Chia sẻ ý kiến này, chuyên gia Anna Aksenova, giảng viên Đại học MGU cho rằng nền kinh tế Việt Nam đang chứng tỏ sự phát triển năng động. Đề cập đến quan hệ đối tác chiến lược Nga - Việt Nam, ông Evgeny Kobelev, chuyên gia Viện Viễn Đông thuộc Viện Hàn lâm khoa học Liên bang Nga, nhấn mạnh việc Tổng thống Nga Vladimir Putin tham dự APEC sẽ tạo thêm xung lực mới thúc đẩy quan hệ song phương phát triển thực chất.

Kết nối là ưu tiên hàng đầu

Truyền thông Thái Lan đã có những đánh giá tích cực về sự kiện Việt Nam đăng cai tổ chức APEC năm 2017. Theo báo Bangkok Post, sau hơn 3 thập kỷ cải cách kinh tế, Hội nghị Cấp cao APEC lần này diễn ra tại Việt Nam có tầm quan trọng lớn về mặt kinh tế và chiến lược khi thế giới đang thay đổi nhanh chóng. Theo bài viết, tại hội nghị lần này, Việt Nam phải nắm bắt cơ hội gặp gỡ các nhà lãnh đạo của các nền kinh tế thành viên APEC để thúc đẩy tiến trình hợp tác trở nên có hiệu quả và hiệu lực; nỗ lực nhằm giảm bớt rào cản thương mại và tăng cường tự do hóa đầu tư phải được tiếp tục, trong bối cảnh APEC đang tiến vào thập kỷ thứ 4 của sự phát triển;  thúc đẩy hơn nữa thương mại song phương nhằm mở rộng hoạt động xuất khẩu và thu hút đầu tư nước ngoài. Trong bài viết tổng hợp về những thành tựu nổi bật trong phát triển kinh tế của Việt Nam sau hơn 30 năm đổi mới, tờ Nikkei (Nhật Bản)  đã đưa ra nhiều thông tin tích cực về toàn cảnh bức tranh kinh tế Việt Nam như môi trường đầu tư của Việt Nam liên tục được cải thiện, thu hút ngày càng nhiều hơn vốn đầu tư; cơ cấu kinh tế Việt Nam bước đầu chuyển dịch theo hướng hiện đại; kim ngạch xuất khẩu thường xuyên tăng với tốc độ 2 con số.

Trong cuộc phỏng vấn với Tân Hoa xã, Giám đốc điều hành Ban thư ký APEC quốc tế Alan Bollard khẳng định APEC có khả năng thích ứng với những môi trường thương mại phức tạp bởi bản thân diễn đàn này là một hiệp ước linh hoạt và mang tính tự nguyện. Theo nhà kinh tế Bollard, APEC có những lợi thế trong việc thích ứng với những thay đổi có tính ràng buộc về mặt pháp lý. Thông qua việc quy tụ hai nền kinh tế hàng đầu thế giới là Mỹ và Trung Quốc cùng một số nền kinh tế nhỏ hơn lại với nhau, APEC có thể hưởng lợi từ những gì mà các nền kinh tế khác nhau có thể đem lại. Thực tế là khối này đã hỗ trợ sự tăng trưởng kinh tế và cải thiện chất lượng cuộc sống trong khu vực.  Sự kết nối cũng là một trong bốn ưu tiên hàng đầu mà Việt Nam đã đề ra trong hội nghị thượng đỉnh APEC tới đây về an ninh lương thực và biến đổi khí hậu.

Theo SGGP